 |
Trước khó khăn của người lao động Việt Nam tại Saudi Arabia, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thanh Hòa (ảnh) yêu cầu doanh nghiệp phải có người đại diện ở Saudi Arabia. Ảnh website bộ LĐTBXH
|
Saudi Arabia được xác định là thị trường trọng điểm của hoạt động xuất khẩu lao động giúp việc nhà trong khu vực Trung Đông, châu Phi. Tuy nhiên, đây lại là nơi thường xảy ra tình trạng người lao động bỏ trốn, bị chủ sử dụng bỏ rơi, không thích nghi với môi trường làm việc.
Trước diễn biến ngày càng phức tạp trong việc xuất khẩu lao động sang Saudi Arabia, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp môi giới ngày 1-4 để tìm hướng giải quyết.
Tại buổi họp, ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết hiện đang có khoảng 15.000 người Việt Nam làm việc tại Saudi Arabia, trong đó có 2.000 người đang làm giúp việc gia đình. Nhu cầu lao động giúp việc gia đình của Saudi Arabia đang có xu hướng tăng do khan hiếm lao động từ Indonesia, Phillipines.
Thủ tục đưa lao động sang Saudi Arabia tương đối đơn giản, người lao động gần như không mất phí. Các công ty môi giới được các doanh nghiệp ở đây trả phí cao nên số lao động giúp việc gia đình có xu hướng tăng trong 3 năm gần đây.
“Nhiều doanh nghiệp yếu kém, gặp khó khăn trong việc khai thác các thị trường khác cũng xem việc cung ứng lao động sang Saudi Arabia là một con đường để cứu mình” – ông Hải nói.
Tuy nhiên, theo Cục quản lý lao động ngoài nước, đã có nhiều sự cố phát sinh cùng với việc gia tăng số người Việt Nam sang đây lao động.
Trong ba tháng đầu năm 2014 đã có trên 30 vụ liên quan đến người lao động giúp việc nhà, chủ yếu là người lao động bỏ trốn, bị chủ bỏ rơi, không thích nghi với môi trường làm việc, không đảm bảo sức khỏe, thậm chí có trường hợp người lao động bị bệnh tâm thần. Một số trường hợp không được xử lý kịp thời, kéo dài đã gây bức xúc cho thân nhân người lao động trong nước và dư luận xã hội.
Giải thích hiện tượng này, ông Hải cho hay, do thủ tục đưa lao động giúp việc sang Saudi Arabia đơn giản, nhu cầu cấp bách của chủ sử dụng nên nhiều doanh nghiệp buông lỏng công tác tuyển chọn, đào tạo… Nhiều người không đủ sức khỏe, chưa có kinh nghiệm giúp việc gia đình, không được phổ biến về phong tục tập quán ở đây nên thường bị “sốc” trong thời gian đầu làm việc.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thanh Hòa các doanh nghiệp cần phải có người đại diện của mình ở Saudi Arabia để kịp thời giải quyết những mâu thuẫn của người lao động với chủ. Nếu chi phí lớn thì vài công ty chung nhau một người đại diện, tránh để gây bức xúc dư luận như thời gian qua.
Ban quản lý lao động Việt Nam tại Saudi Arabia cũng đề nghị cần có một ngôi nhà an toàn “safe house” để người lao động có thể lánh nạn mỗi khi gặp sự cố.
Theo thesaigontimes.vn