Xuất khẩu lao động là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tạo thu nhập và nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế và ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội ở địa phương.
Trong những năm qua, với nhiều chính sách hỗ trợ của tỉnh đã tạo điều kiện cho người tham gia xuất khẩu lao động, những lúc cao điểm (những năm 2006, 2007) mỗi năm có khoảng 500 lao động xuất khẩu. Tuy nhiên mấy năm gần đây số người tham gia xuất khẩu lao động giảm sút nhanh chóng, mỗi năm chỉ khoảng dăm ba mươi người ( đầu năm 2014 đến nay cũng chỉ xuất khẩu được 20 lao động).
Nguyên nhân dẫn đến tình hình trên do thị trường lao động nước ngoài có nhiều biến động vì suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, nhiều lao động phải về nước trước thời hạn nên nhiều người thất nghiệp và lâm vào cảnh nợ nần; một số lao động khác rơi vào cảnh bị các doanh nghiệp xuất khẩu lao động “đem con bỏ chợ” đã tác động không ít đến tâm lý của những người có ý định tham gia xuất khẩu lao động. Mặt khác, người lao động khi tham gia xuất khẩu đa phần có trình độ văn hóa thấp, tay nghề và ngoại ngữ hạn chế, nên chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng, nhất là các thị trường có thu nhập cao, đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng và chi phí ban đầu cao.
Tuy nhiên, những vấn đề trên không phải chỉ có Bình Thuận gặp phải mà là tình hình chung cho các tỉnh, thành phố. Thế nhưng năm 2013, cả nước vẫn có đến 88 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt 3 nghìn người so kế hoạch. Nếu tính bình quân trên 63 tỉnh, thành phố thì mỗi địa phương gần 1,4 nghìn người (trong lúc đó Bình Thuận chỉ 40 người). Điều đó cho thấy ngoài những lý do đã nêu, thì có lẽ tâm lý ngại xa nhà, ngại khó, ngại khổ là trở ngại lớn nhất cho xuất khẩu lao động của Bình Thuận hiện nay.
Từ đó cho thấy, để đưa công tác xuất khẩu lao động Bình Thuận “bằng chị bằng anh” trong năm 2014 này và những năm tiếp theo, thì cần có chủ trương, giải pháp sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên. Xác định nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức, vì vậy giải pháp hàng đầu vẫn là phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về xuất khẩu lao động. Tuyên truyền phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và đa dạng hóa hình thức, trong đó đặc biệt chú ý công tác tư vấn và nêu những điển hình thành đạt của người đã và đang tham gia xuất khẩu lao động ở địa phương. Quán triệt trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị, địa bàn và xem đây là nhiệm vụ của tất cả cán bộ, đảng viên, nhân viên chứ không riêng cán bộ chuyên môn hay ngành phụ trách.
Thu nhập và đời sống của người xuất khẩu lao động phụ thuộc rất lớn vào doanh nghiệp làm công tác xuất khẩu lao động. Vì vậy tỉnh cần phải chọn lựa mời gọi các doanh nghiệp uy tín về triển khai tư vấn, tuyển chọn lao động. Nếu cần thiết, tỉnh cần khuyến khích, tạo điều kiện thành lập doanh nghiệp xuất khẩu lao động ở tỉnh để việc phối hợp được chặt chẽ hơn. Yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu lao động khi tư vấn tuyển chọn lao động phải cụ thể, rõ ràng về quyền lợi, trách nhiệm của người lao động, tránh việc nhầm lẫn, mơ hồ cho người lao động. Chú trọng những đơn hàng có mức thu nhập cao, bảo đảm cho người lao động khi làm việc có tiền trang trải sinh hoạt, trả nợ ngân hàng và có tích lũy. Phải tổ chức đào tạo, giáo dục định hướng phù hợp với nước đến làm việc. Khi xảy ra kiến nghị, phản ánh, khiếu nại của người lao động phải khẩn trương giải quyết dứt điểm, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Để khuyến khích lao động xuất khẩu, tỉnh cần rà soát lại các chính sách đã ban hành để có hướng điều chỉnh, bổ sung nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động tham gia xuất khẩu lao động. Đồng thời, tỉnh cần sớm ban hành một kế hoạch cụ thể và giao chỉ tiêu cho các huyện, thị, thành phố để làm cơ sở thực hiện trong thời gian tới.
Năm 2014, thị trường xuất khẩu lao động khá thuận lợi, nhất là Hàn Quốc “mở cửa” trở lại với xuất khẩu lao động Việt Nam, dự kiến cả nước sẽ sẽ có khoảng 90 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đây là cơ hội để Bình Thuận lấy lại đà và “tăng tốc” xuất khẩu lao động của địa phương mình nếu sớm có giải pháp đủ sức “kích cầu”.
Theo baobinhthuan