Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp thì bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 01.01.2009 và thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động kể từ ngày 01.01.2010. Thời điểm triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp là thời điểm nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng khoảng của nền kinh tế thế giới dẫn đến hậu quả là nhiều người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp do doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã kịp thời bù đắp một phần thu nhập người lao động mất việc làm để duy trì cuộc sống và có các biện pháp tích cực như tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề để giúp họ sớm quay trở lại thị trường lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Đây là một chính sách mới, đã có những tác động tích cực, trực tiếp đến người lao động, người sử dụng lao động và vấn đề an sinh xã hội. Nhìn lại 6 năm triển khai thực hiện bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm đã đạt được kết quả quan trọng sau:
1. Số người tham gia và đóng bảo hiểm thât nghiệp liên tục tăng qua từng năm.
Từ năm 2009 đến nay, số lượng người tham gia bảo hiểm thất nghiệp năm sau đều cao hơn năm trước và đến nay số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp chiếm gần 81% trong tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Cụ thể như sau:
- Năm 2009: có 5,993 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp;
- Năm 2010: số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp 7,206 triệu người tăng 20,24% so với năm 2009;
- Năm 2011: số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 7,968 triệu người tăng 10,06% so với năm 2010;
- Năm 2012: số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 8,269 triệu người tăng 4,22% so với năm 2011;
- Năm 2013: số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 8,676 triệu người tăng 4,9% so với năm 2012;
- Năm 2014: số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 9,213 triệu người tăng 6,19% so với năm 2013.
2. Việc tiếp nhận và giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện đúng pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động.
Các Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giao nhiệm vụ tiếp nhận đăng ký thất nghiệp, hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, xem xét và thực hiện các thủ tục giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp đối với người lao động. Từ ngày 01/01/2010 đến hết năm2014, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã tiếp nhận được 2.010.642 lượt người đăng ký thất nghiệp, trong đó có 1.836.686 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, Số người đăng ký bình quân tăng nhanh theo từng năm, cụ thể như sau: Năm 2010 bình quân 15.801 người/tháng; Năm 2011 bình quân 27.775 người/tháng, tăng 75,8%; Năm 2012 bình quân 40.177 người/tháng, tăng 44,7% so với năm 2011; Năm 2013 bình quân 39.679 người/tháng, giảm 1,2% so với năm 2012; Năm 2014 bình quân 44.121 người/tháng, tăng 11,2% so với năm 2013. Việc giả quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp được thực hiện theo phương châm ba đúng "đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn"; việc thực hiện giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp gắn chặt với việc tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động và học nghề để người lao động sớm có việc làm, ổn định cuộc sống.
3. Số người hưởng trợ cấp thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm chiếm tỷ lệ cao.
Các Trung tâm dịch vụ việc làm có nhiều biện pháp thiết thực để đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người thất nghiệp ngay từ khi người lao động đến đăng ký thất nghiệp và trong quá trình hưởng trợ cấp thất nghiệp và tạo điều kiện cho người thất nghiệp tiếp cận một cách tốt nhất về thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tích cực để người sử dụng lao động tiếp cận với người thất nghiệp để tuyển lao động.
Các Trung tâm đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 1.537.816 lượt người, bằng 83,8% so với số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng. Trong đó, năm 2010 với 125.562 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm; Năm 2011 với 215.498 lượt người, tăng 71,6%; Năm 2012 với 342.145 lượt người, tăng 58,7% so với năm 2011; Năm 2013 với 397.338 lượt người, tăng 16,1% so với năm 2012; Năm 2014 với 457.273 lượt người, tăng 15,1% so với năm 2013.
4. Số người thất nghiệp có nhu cầu học nghề và được hỗ trợ học nghề tăng mạnh qua từng năm.
Tất cả những người thất nghiệp co nhu cầu, nguyện vọng được tham gia khóa học nghề đều được các Trung tâm dịch vụ việc làm, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội hỗ trợ, tư vấn và tạo điều kiện để tham gia học nghề. Tổng số người được hỗ trợ học nghề là 36.475 người. Trong đó:
- Năm 2010, có 23/63 địa phương có hỗ trợ học nghề đối với NLĐ với số lượng là: 270 người;
+ Năm 2011, có 26/63 địa phương có hỗ trợ học nghề đối với NLĐ với số lượng là: 1.036 người, tăng 283,7% so với năm 2010;
+ Năm 2012, có 29/63 địa phương có hỗ trợ học nghề đối với NLĐ với số lượng là: 4.763 người, tăng 359,7% so với năm 2011. Trong đó, một số địa phương có số người được hỗ trợ học nghề cao, chiếm tỷ lệ lớn so với tổng số người được hỗ trợ học nghề trên toàn quốc là: TP. Hồ Chí Minh chiếm 32,3% (1.542 người); TP. Hà Nội chiếm 21,8% (1.040 người); tỉnh Vĩnh Phúc chiếm 13,5% (641 người); tỉnh Đồng Nai chiếm 12,4% (592 người);
+ Năm 2013, có 42/63 địa phương có hỗ trợ học nghề đối với NLĐ với số lượng là: 10.610 người, tăng 122,8% so với năm 2012. Trong đó, một số địa phương có số người được hỗ trợ học nghề cao, chiếm tỷ lệ lớn so với tổng số người được hỗ trợ học nghề trên toàn quốc là: TP. Hồ Chí Minh chiếm 49,4% (5.243 người); Đồng Nai chiếm 15,4% (1.635 người); TP. Hà Nội chiếm 9,8% (1.035 người); Bình Dương chiếm 6,0% (640 người);
+ Năm 2014, có 51/63 địa phương có hỗ trợ học nghề đối với NLĐ với số lượng là: 19.796 người, tăng 86,6% so với năm 2013. Trong đó, một số địa phương có số người được hỗ trợ học nghề cao, chiếm tỷ lệ lớn so với tổng số người được hỗ trợ học nghề trên toàn quốc là: TP. Hồ Chí Minh chiếm 60,8% (12.035 người); Đồng Nai chiếm 11,9% (2.355 người); Bình Dương chiếm 6,6% (1.302 người); Đà Nẵng chiếm 3,2% (629 người).
5. Tất cả người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được hưởng bảo hiểm y tế.
Ngành Bảo hiểm xã hội đã phối hợp với cơ quan lao động địa phương và các cơ quan có liên quan tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng bảo hiểm y tế, nhất là việc cấp thẻ bảo hiểm y tế, chuyển hưởng trợ cấp thất nghiệp dẫn đến chuyển hưởng bảo hiểm y tế.
6. Việc ban hành các văn bản hướng dẫn bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ, kịp thời và đáp ứng được những vấn đề thực tế đặt ra.
Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bảo hiểm xã họi Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt nam, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam,…để trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành các văn bản theo thẩm quyền về bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo đúng luật, đồng bộ, đầy đủ, kịp thời và đáp ứng được những vấn đề thực tế. trước hết là Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp và Nghị định số 100/2012/NĐ-CP ngày 21/11/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 55/2013/QĐ-TTg ngày 03/10/2013 quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 04/2009/TT-BLĐTBXH ngày 22/01/2009 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP; Thông tư số 34/2009/TT-BLĐTBXH ngày 16/10/2009, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 04/2009/TT-BLĐTBXH nêu trên, trong đó quy định việc chuyển nhiệm vụ thực hiện BHTN từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện sang Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTBXH ngày 25/10/2010 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP (thay thế Thông tư số 04/2009/TT-BLĐTBXH và Thông tư số 34/2009/TT-BLĐTBXH nêu trên); Thông tư số 04/2013/TT-BLĐTBXH ngày 01/3/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTBXH. Đồng thời các Bộ cũng đã ban hành kịp thời các văn bản thuộc thẩm quyền về bảo hiểm thất nghiệp. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện thu, chi BHTN, quy định quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở nhiều địa phương đã ban hành Chỉ thị, hướng dẫn thực hiện BHTN trên địa bàn.
7. Công tác tuyên truyền, phổ biến về chính sách bảo hiểm thất nghiệp được quan tâm đúng mức và thực hiện với nhiều hình thức phong phú, phù hợp góp phần nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động.
- Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan như: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam... Tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền các chế độ, chính sách về BHTN bằng nhiều hình thức phong phú và phù hợp như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các hội nghị tuyên truyền tại một số địa phương và khu công nghiệp; đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp; tổ chức, xuất bản các ấn phẩm tuyên truyền tờ rơi, sách tìm hiểu về BHTN, sách hỏi đáp về BHTN, sổ hướng dẫn nghiệp vụ về BHTN, pano, áp phích...;
- Các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan tại địa phương đã chủ động phối hợp tổ chức thông tin, tuyên truyền chính sách BHTN thuộc lĩnh vực quản lý, đôn đốc, nhắc nhở và hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức tham gia BHTN với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi, vùng có điều kiện khó khăn.
- Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thường xuyên thực hiện việc tuyên truyền phổ biến chính sách BHTN thông qua hoạt động của sàn giao dịch, điểm giao dịch việc làm tại Trung tâm hoặc kết hợp lồng ghép hoạt động tuyên truyền BHTN với các hoạt động tuyên truyền về chính sách sách pháp luật trên địa bàn, góp phần nâng cao nhận thức của NLĐ, người sử dụng lao động và các cơ quan, tổ chức về chính sách BHTN.
Công tác tuyên truyền thời gian qua đã có hiệu quả nhất định, điều này được phản ánh qua số doanh nghiệp, NLĐ tham gia BHTN ngày càng tăng; số lượng người đến đăng ký thất nghiệp chậm ngày càng giảm, tình trạng hồ sơ không đầy đủ, NLĐ phải đi lại nhiều lần, bức xúc, khiếu nại cán bộ cũng được giảm thiểu đáng kể… Tuy nhiên, hiện nay vẫn thiếu những chương trình mang tính dài hạn để cộng đồng, người sử dụng lao động và NLĐ nhận thức sâu sắc hơn về chính sách BHTN.
8. Việc tổ chức triển khai thực hiện bảo hiểm thất nghiệp đồng bộ, có sự phối hợp tốt giữa các ngành, các cấp.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với các ngành, các tổ chức chính trị- xã hội, các địa phương để chuẩn bị về nhân sự, cơ sở vật chất, phần mền và điều kiện làm việc; tổ chức đào tạo, tập huấn về bảo hiểm thất nghiệp cho 100% cán bộ, đặc biệt quan tâm đào tạo về kỹ năng , quy trình tiếp nhận và giải quyết hưởng bảo hiểm thất; tư vấn, giới thiệu việc làm cho người thất nghiệp và các biện pháp để tăng cường công tác này; tổ chức chia sẻ kinh nghiệm và mô hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp để nghiên cứu, áp dụng. Tổ chức các Đoàn thanh tra, kiểm tra, khảo sát liên ngành về tình hình thực hiện BHTN tại một số địa phương; ký kết chương trình phối hợp giữa Cục Việc làm và Ban thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội trong việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, nghiên cứu các đề tài khoa học cấp bộ về bảo hiểm thất nghiệp để phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý và thực hiện.
9. Thực hiện có hiệu quả các dự án quốc tế về bảo hiểm thất nghiệp: Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã chủ động, tích cục để tiếp nhận những kinh nghiệm quốc tế về bảo hiểm thất nghiệp thông qua các dự án, chuyên gia, hội nghị, hội thảo. Trong đó có Dự án “Nâng cao năng lực pháp luật thực hiện chính sách BHTN”, Dự án “Hợp phần 2 dự án thúc đẩy và xây dựng dịch vụ việc làm trong ASEAN” với nhiều hoạt động như tổ chức các hội thảo, hội nghị, các đoàn khảo sát tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp./.
Quang Lê
Theo vieclamvietnam.gov.vn