Số lao động mất việc muốn tìm việc làm chiếm tỉ lệ thấp do đa phần có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp và tìm việc tự do
Sau nửa năm khi nghỉ thai sản 6 tháng tại quê nhà Thanh Hóa, chị Lê Mỹ Trinh, công nhân (CN) Công ty TNHH F.T (TP Thủ Đức, TP HCM), ôm con nhỏ trở lại TP HCM làm việc. Tuy nhiên, làm việc chưa được nửa tháng thì chị nhận được thông báo nghỉ việc vì hết hạn hợp đồng lao động (HĐLĐ). "Biết trước thế này thì tôi ở quê luôn. Giờ về quê thì tốn kém, còn ở lại thành phố thì khó xin việc vì các doanh nghiệp (DN) ưu tiên tuyển CN trẻ" - chị Trinh chua chát nói.
Đủ "chiêu" cắt giảm lao động
Chị Trinh cho hay chị đã ký 2 lần HĐLĐ với thời hạn 1 năm và 3 năm. Đến tháng 6-2023, HĐLĐ thời hạn 3 năm của chị hết hạn và công ty không ký tiếp HĐLĐ mới. Không riêng chị Trinh, do thiếu đơn hàng, từ cuối năm 2022 đến nay, công ty đã cắt giảm nhiều lao động với cách thức tương tự. Đây cũng là cách giảm lao động "tự nhiên" mà nhiều DN đang áp dụng.
Chủ tịch Công đoàn một DN trong KCX Linh Trung cảnh báo đang có tình trạng DN hạ thấp độ tuổi tuyển dụng và chỉ ký HĐLĐ xác định thời hạn với người lao động (NLĐ). Sau khi hết 2 lần ký HĐLĐ xác định thời hạn được pháp luật cho phép, DN sẽ cho NLĐ nghỉ việc. Nếu NLĐ muốn tiếp tục làm thì ký lại HĐLĐ như một lao động mới.
Với cách làm này, DN dễ dàng cắt giảm lao động khi cần mà không phải bồi thường, đồng thời không phải trả lương cao cho lao động có thâm niên. Bị đẩy ra đường ở độ tuổi khó tìm việc mới, ngoài khoản trợ cấp thất nghiệp, NLĐ không được hưởng thêm khoản hỗ trợ nào từ DN.
Công nhân mất việc tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM) nghe hướng dẫn làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: HUỲNH NHƯ
So với cách làm trên, giải pháp được xem là "tối ưu" hơn khi cắt giảm lao động là DN sẽ chi một khoản bồi thường để "khuyến khích" NLĐ nghỉ việc. Ông Nguyễn Ngọc Sơn - trưởng phòng nhân sự một DN tại quận Tân Phú, TP HCM - cho hay hiện tại đơn hàng của DN chỉ bảo đảm việc làm cho NLĐ đến hết tháng 9-2023.
Do vậy, công ty dự kiến cắt giảm một số lao động và hỗ trợ mỗi người 3,5 tháng lương. Số lao động bị cắt giảm này đồng ý với phương án do công ty đưa ra, song sau đó có phát sinh thêm một số trường hợp khác. Đó là số lao động làm việc lâu năm có ý định nghỉ việc hưởng BHXH một lần do lo ngại chính sách BHXH thay đổi. Theo tính toán của họ, nghỉ vào thời điểm này sẽ có lợi bởi ngoài khoản hỗ trợ của công ty còn được hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) và BHXH một lần.
Nguồn: nld.com.vn