Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) số người lao động lợi dụng quy định của pháp luật, chỉ làm việc và đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) 12 tháng xin nghỉ việc gây biến động thị trường lao động là không nhiều.
Bộ LĐ-TB-XH vua nhận được kiến nghị giảm tỉ lệ đóng BHTN, quy định thời gian đóng, hưởng BHTN hợp lý hơn để tránh trường hợp người lao động, nhất là lao động trẻ lợi dụng đi làm đủ 12 tháng nghỉ, hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, gây biến động thị trường lao động.
Phản hồi kiến nghị này, Bộ LĐ-TB-XH cho biết căn cứ theo quy định tại Điều 15 Công ước số 168 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xúc tiến việc làm và bảo vệ chống thất nghiệp thì mức trợ cấp thất nghiệp không ít hơn 45% của thu nhập trước đó hoặc không ít hơn 45% của tiền lương tối thiểu theo quy định của tiền lương của người lao động bình thường nhưng không ít hơn mức có thể đảm bảo mức sống cơ bản tối thiểu.
Điều 24 Công ước số 102 của Tổ chức Lao động Quốc tế và quy phạm tối thiểu về an toàn xã hội thì thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối thiểu là 12 tuần (3 tháng) trong thời kỳ 12 tháng.
Điều 48 Bộ Luật Lao động quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên khi chấm dứt hợp đồng lao động thuộc một trong các trường hợp theo quy định, mỗi năm làm việc được trợ cấp ½ tháng tiền lương (50% mức tiền lương).
Bộ LĐ-TB-XH cũng cho biết, tại Điều 49 Bộ Luật Lao động quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm trong các trường hợp theo quy định, mỗi năm làm việc trả 1 tháng tiền lương (100% mức tiền lương) nhưng ít nhất phải bằng 2 tháng tiền lương, tối thiểu 200% mức tiền lương).