Đòa là: Cơ chế phối hợp giữa DN và địa phương trong việc tuyển nguồn, phí môi giới, tiền đặt cọc, ký quỹ tại ngân hàng...
Nóng chuyện ký quỹ
Đại diện 10 DN XKLĐ được coi là “ăn nên làm ra” được của Hà Nội đã giãi bày với đoàn giám sát những bức xúc về: Chênh lệch phí môi giới giữa các DN; tình trạng bán giấy phép tràn lan; thủ tục vay vốn, ký quỹ tại các ngân hàng thương mại; cấp phép về lĩnh vực XKLĐ còn nhiều nhiêu khê... Trong đó, “nóng” nhất là tình trạng một số ngân hàng “đòi” DN phải ký quỹ mới cho NLĐ vay.
Ông Nguyễn Xuân Vui - Tổng GĐ Cty CP dịch vụ và thương mại Hàng không - phàn nàn: Hiện, chỉ duy nhất tỉnh Thanh Hoá có chính sách mở cho DN không phải ký quỹ; còn lại hầu hết các ngân hàng đều yêu cầu DN XKLĐ phải ký quỹ từ 5-10% tổng số vốn vay để bảo lãnh cho NLĐ. Đây là số tiền không nhỏ, gây khó khăn về vốn cho DN. Bởi vậy, các DN đều mong muốn các ngân hàng cần có quy định thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho DN hoạt động.
Sẽ thắt chặt quản lý việc thu phí
Gần đây, Đài Loan là thị trường liên tiếp dẫn đầu về số lượng LĐ đi làm việc trong các thị trường XKLĐ của VN thời gian gần đây. Nhưng, nhiều DN XKLĐ đã đẩy mức phí môi giới ở thị trường Đài Loan cao lên gấp 2 - 3 lần quy định tại luật.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thanh Hoà cho biết: “Mặc dù biết có những thị trường thu phí vượt quá quy định, nhưng trong hoàn cảnh khó khăn về việc làm như hiện nay, LĐ đi Đài Loan vẫn có thu nhập ổn định, đảm bảo, nên chúng ta phải tạm thời chấp nhận. Nhưng, tới đây, chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp thắt chặt quản lý để giảm phí môi giới cho NLĐ”. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ thắt chặt quản lý việc cấm thu tiền đặt cọc của LĐ đối với các DN khai thác thị trường Nhật- theo quy định của Luật Xuất nhập cảnh của Nhật có hiệu lực từ 1.7.2010.
Quốc hội: Sẽ xem xét, sửa đổi những bất hợp lý
Trước các vấn đề DN nêu, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai nhấn mạnh: Những vướng mắc, khó khăn các DN nêu sẽ được Đoàn giám sát tập hợp trình Quốc hội. Các cơ quan quản lý cần nghiên cứu lại cơ chế đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, tránh tình trạng NLĐ đăng ký đi XKLĐ phải thông qua các cơ quan quản lý địa phương, nhưng khi gặp rủi ro NLĐ lại phải chạy vạy khắp nơi tìm DN, còn địa phương thì không có thông tin và gần như không có trách nhiệm.
Ngoài ra, các đơn vị liên quan cần đề xuất những hướng giải quyết- nếu cần thiết sẽ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét để sửa đổi những điểm bất hợp lý trong các chính sách về XKLĐ. Ngoài ra, bên cạnh việc mở rộng thị trường DN và cơ quan quản lý nhà nước cần nâng cao chất lượng lao động, tăng dần tỉ lệ LĐVN có tay nghề đi làm việc ở nước ngoài để LĐ có thu nhập cao và điều kiện làm việc tốt hơn.