Kinh tế trong nước tiếp tục gặp khó khăn, dẫn đến không ít doanh nghiệp làm ăn thua lỗ phải giải thể hoặc hoạt động cầm chừng. Tình trạng đó đã khiến một lượng lớn lao động lâm vào cảnh thất nghiệp.
Theo thông tin từ Trung tâm Giới thiệu việc làm TP Hồ Chí Minh, nơi tiếp nhận và xử lý hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố, từ đầu năm đến nay đã có 116.322 người lao động đăng ký thất nghiệp, tăng 33,34% so với cùng kỳ năm 2011 và cao hơn số người thất nghiệp cả năm 2011. Trong đó gần 90 nghìn người đã được nhận trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền 814 tỷ đồng. Do đó, vấn đề bức thiết đặt ra hiện nay là sớm có các giải pháp để từng bước kiềm chế sự gia tăng thất nghiệp.
Trong nền kinh tế thị trường, thất nghiệp là điều không thể tránh khỏi, cho nên cần nhìn nhận nó là vấn đề bình thường trong cuộc sống hiện đại. Nhưng nếu số người thất nghiệp tăng quá cao thì không còn bình thường nữa, vì nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế. Vì thế, việc tìm kiếm một giải pháp hoàn hảo để giải quyết vấn đề thất nghiệp trong một thời gian ngắn là điều không tưởng. Ðiều cốt yếu là phải vạch ra được một kế hoạch dài hơi, mang tầm chiến lược với những cơ chế, chính sách hợp lý đi kèm trong từng giai đoạn cụ thể mới tạo ra khả năng hạn chế, giảm thiểu thất nghiệp trong từng thời điểm khác nhau. Vì thế, trong các loại hình thất nghiệp như thất nghiệp tạm thời, thất nghiệp tự nhiên, thất nghiệp tự nguyện, thất nghiệp không tự nguyện, thất nghiệp cơ cấu, thất nghiệp công nghệ, thất nghiệp mùa vụ, thất nghiệp hữu hình, thất nghiệp trá hình, thất nghiệp ngắn hạn, thất nghiệp trung hạn, thất nghiệp dài hạn, thất nghiệp từng phần (bán thất nghiệp), thất nghiệp toàn phần, thất nghiệp chu kỳ, thất nghiệp nhu cầu, thất nghiệp kinh niên, thiếu việc làm hữu hình, thiếu việc làm vô hình, thừa lao động, lao động dôi dư... Thành phố cần chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, rà soát để xác định rõ loại hình thất nghiệp nào là cơ bản và có ảnh hưởng nặng nề nhất đối với vấn đề an sinh xã hội thì tập trung tìm hiểu để đề ra các biện pháp trợ giúp, tháo gỡ đúng, trúng vấn đề để có hiệu quả cao.
Theo kết quả khảo sát, nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Bá Ngọc ở Viện Khoa học lao động và xã hội thì tình trạng thất nghiệp trong thời gian qua có thể phân thành ba nhóm chủ yếu: thất nghiệp tạm thời là tình trạng không có việc làm ngắn hạn do không có đầy đủ thông tin về cung - cầu lao động, hoặc chờ đợi vào những điều kiện lao động và thu nhập không thực tế hoặc liên quan đến sự di chuyển của người lao động giữa các doanh nghiệp, giữa các vùng và lĩnh vực kinh tế; thất nghiệp cơ cấu là tình trạng không có việc làm ngắn hạn hoặc dài hạn do không phù hợp về quy mô và cơ cấu cũng như trình độ của cung lao động theo vùng đối với cầu lao động (số chỗ làm việc), sự không phù hợp có thể là do thay đổi cơ cấu việc làm yêu cầu hoặc do biến đổi từ phía cung của lực lượng lao động; thất nghiệp nhu cầu là tình trạng không có việc làm ngắn hạn hoặc dài hạn do giảm tổng cầu về lao động và làm nền kinh tế đình đốn hoặc suy thoái, dẫn đến giảm hoặc không tăng số việc làm.
Nhà nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng, nếu muốn can thiệp vào lĩnh vực lao động - việc làm để bảo đảm an sinh xã hội hoặc tạo điều kiện tăng độ linh hoạt mềm dẻo của thị trường lao động, nhằm mục tiêu việc làm đầy đủ, việc làm bền vững và có hiệu quả, phụ thuộc trước hết vào việc đánh giá đúng những nguyên nhân gây ra từng loại hình thất nghiệp và lựa chọn những công cụ, giải pháp phù hợp. Và nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thất nghiệp như hiện nay là do sự di chuyển của người lao động; năng lực, trình độ và nghề nghiệp được đào tạo không phù hợp yêu cầu làm việc; sản xuất đình đốn do suy thoái kinh tế.
ÐỂ khắc phục được các nguyên nhân đó, thành phố cần triển khai thực hiện một loạt các giải pháp về định hướng nghề nghiệp; tư vấn nghề nghiệp và giới thiệu việc làm, tổ chức sàn giao dịch việc làm; phát triển thông tin thị trường lao động; đổi mới công tác dạy nghề theo hướng đáp ứng nhu cầu thực tế trước mắt và lâu dài; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đào tạo lại và tạo điều kiện cho người lao động học tập suốt đời để không lạc hậu trước công nghệ mới và đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Thực hiện việc lồng ghép các chương trình mục tiêu về việc làm với các chương trình, dự án khác nhằm nâng cao chất lượng cung, điều chỉnh cung lao động phù hợp cầu lao động, đẩy mạnh kết nối cung - cầu và trực tiếp làm tăng quy mô việc làm hay gián tiếp tạo ra việc làm mới.
Nguồn: baomoi.com