Dự kiến VN đưa được khoảng 90.000 người đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2011
Do tình hình của các thị trường vẫn còn nhiều biến động nên trong năm 2011, Bộ LĐ-TB-XH kiến nghị không đưa chỉ tiêu xuất khẩu lao động (XKLĐ) vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung. Tuy vậy, theo Cục Quản lý Lao động ngoài nước, trong năm nay, cả nước vẫn quyết tâm đưa khoảng 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Lao động VN do Công ty CP Nhân lực toàn cầu (GMAS) tuyển chọn đang làm thủ tục xuất cảnh sang Israel làm việc. Ảnh: C.T.V
Giữ vững thị trường truyền thống
Theo báo cáo của Cục Quản lý Lao động ngoài nước, trong tổng số 85.564 lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2010, có 53.781 người sang 4 thị trường quen thuộc là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Malaysia (chiếm 62,85%). Trong đó, năm thứ 4 liên tiếp, Đài Loan dẫn đầu với số lượng lao động cung ứng là 28.499 lao động, kế đến Malaysia với 11.741 lao động.
Theo ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, bên cạnh cố gắng tăng số lượng lao động đưa đi, điều quan trọng hơn cả là các DN phải chú trọng công tác tuyển chọn, đào tạo, tăng cường hơn nữa việc quản lý lao động; chú trọng khai thác các đơn hàng cung ứng lao động kỹ thuật, có tay nghề chuyên môn, từng bước chuyển hướng XKLĐ nghề, tạo việc làm bền vững cho người lao động.
|
Dựa trên báo cáo của các ban quản lý lao động VN tại nước ngoài, trong năm 2011, dự kiến có khoảng 60.000 lao động sang 4 thị trường này, chiếm trên 60%. Ở thị trường Hàn Quốc, năm 2009, tổng chỉ tiêu phân bổ cho 15 quốc gia phái cử theo chương trình EPS là 34.000 người và kết quả VN đưa được trên 8.000 lao động.
Theo ông Phạm Anh Thắng, Ban Quản lý Lao động VN tại Hàn Quốc, với việc tăng chỉ tiêu tuyển dụng lên 48.000 lao động nước ngoài trong năm 2011, VN phấn đấu đưa 10.000 lao động vào thị trường này. Tại Nhật Bản, liên tiếp trong 2 tháng cuối năm 2010, có trên 300 lượt hợp đồng đăng ký của các doanh nghiệp (DN) được Cục Quản lý Lao động ngoài nước thẩm định với tổng nhu cầu gần 1.000 lao động. Số đơn hàng này sẽ được các DN thực hiện trong quý I/2011. Dự báo cả năm sẽ đưa được 6.000 lao động sang Nhật, tăng hơn 1.000 người so với năm 2010.
Tại Đài Loan, số lượng lao động VN được cung ứng vào lĩnh vực công xưởng trong năm 2010 tăng 4.600 người so với năm 2009. Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Quản lý Lao động VN tại Đài Loan, dự báo nhu cầu lao động nước ngoài năm tới tại Đài Loan sẽ tiếp tục tăng, tuy không mạnh như năm 2010. Do vậy, việc duy trì mức cung ứng lao động vào thị trường này tương đương năm 2010 là có thể thực hiện được.
Trong khi đó, báo cáo của Ban Quản lý Lao động VN tại Malaysia, cho biết trong năm 2010, ban đã tiếp nhận và thẩm định 634 hồ sơ của DN XKLĐ VN với tổng nhu cầu 18.038 lao động, kết quả đưa đi được 11.741 người (tăng 320,52% so với năm 2009). Dự kiến tối thiểu VN cũng sẽ đưa trên 10.000 lao động vào Malaysia trong năm nay, tập trung ở các lĩnh vực đang có nhu cầu tuyển dụng cao như sản xuất sản phẩm điện và điện tử, nhựa, đồ nội thất...
Thị trường mới khởi sắc
Ngoài các thị trường truyền thống nói trên, trong năm 2010, có 13.282 lao động sang 3 nước Trung Đông gồm Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Libya và Ả Rập Saudi. Sau hơn 5 năm khai thác, các thị trường vốn được xem là đầy tiềm năng này đã giảm sức hút đối với người lao động, do điều kiện làm việc khắc nghiệt, thu nhập không cao. Nhiều DN cũng không còn đầu tư khai thác mạnh vào Trung Đông; thay vào đó, tập trung tìm kiếm đơn hàng thu nhập cao ở các thị trường mới.
Mặc dù năm 2010, cả nước chỉ đưa được khoảng dưới 5.000 lao động sang 15 thị trường mới hoặc thị trường nhỏ, lẻ như Úc, Mỹ, Canada, Bồ Đào Nha, Israel, Phần Lan, Thụy Điển... nhưng theo đánh giá của ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, năm 2011, hoạt động đưa lao động sang các thị trường này sẽ khởi sắc hơn, nhờ các DN đã có kinh nghiệm và quan hệ tuyển dụng thường xuyên với đối tác.
Hiện nay, có khá nhiều DN đang tiến hành tuyển chọn lao động cho các thị trường mới: Tổng Công ty Thép VN (VSC) và Công ty TNHH một thành viên Vạn Hoa Hải Phòng (Havaco) khai thác thị trường Cyprus với lĩnh vực lao động cung ứng là giúp việc nhà (lương 290 euro/tháng) và nông nghiệp (lương 425 euro/tháng); Tổng Công ty Công trình giao thông 1 (Cienco 1) tìm được đơn hàng đưa thợ xây (lương 600 USD – 700 USD/tháng), thợ mộc (lương 700 USD – 800 USD/tháng) sang Angola – châu Phi. Tận dụng lợi thế kinh doanh du lịch, Saigontourist hợp tác với đối tác đưa lao động sang Seychelles, Maldives và một số đảo quốc khác ở châu Phi để làm nhân viên khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, thu nhập từ 380 USD – 2.220 USD/tháng.
Bên cạnh Hycolasec mở rộng việc cung ứng sang Úc (thợ làm bánh, đầu bếp, thợ hàn) và Suleco với thị trường Bồ Đào Nha (thợ hàn), nhiều DN quan tâm đến việc cung ứng lao động nông nghiệp sang Phần Lan, Thụy Điển và Israel. Ông Nguyễn Thế Hiên, Tổng Giám đốc Công ty Sovilaco, cho biết bên cạnh việc duy trì các thị trường quen thuộc, trong năm 2011, Sovilaco chuyển hướng khai thác thị trường thu nhập cao Israel với lĩnh vực cung ứng là lao động nông nghiệp (thu nhập bình quân khoảng 1.500 USD/tháng) và cố gắng xâm nhập thị trường Mỹ.