Không đạt chỉ tiêu trong lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ) trong năm vừa qua, nhưng cơ quan quản lý tin tưởng rằng tình trạng này sẽ không lặp lại trong năm 2011.
Năm 2011 ngành xuất khẩu lao động được được Chính phủ giao chỉ tiêu đưa 87.000 người đi. (Ảnh minh họa)
Kết thúc một năm phấn đấu, ngành xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã thừa nhận không thể đạt được chỉ tiêu như đã đề ra (đưa 85.000 lao động đi XKLĐ). Có nhiều nguyên nhân được đưa ra như: tốc độ phục hồi của nền kinh tế thế giới sau khủng hoảng còn chậm, thị trường trong nước vẫn không tạo được nguồn lao động để đáp ứng các đơn hàng. Bên cạnh đó, do phải tiếp nhận hơn 10.000 lao động về nước trước thời hạn của năm 2009 nên các doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn do phải chi phí tài chính bù thiệt hại hợp đồng...
Tuy nhiên, theo ông Đào Công Hải – Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) những khó khăn trong năm cũ lại chính là tiền đề phát triển trong năm 2011, đặc biệt trong lĩnh vực lao động phổ thông.
Ông Hải đánh giá, các thị trường truyền thống hiện vẫn đang có tính ổn định cao, nhiều doanh nghiệp dành nhiều thiện cảm và sự ưu tiên cho lao động Việt Nam hơn. Cụ thể, thị trường Malaysia đang ấm dần lên và bắt đầu mở cửa đón lao động phổ thông ở các huyện nghèo tại Việt Nạm gửi sang. Trên thực tế, yêu cầu từ thị trường này rất đợn giản, nên khá phù hợp với sức khỏe, văn hóa và điều kiện của nhóm lao động này .
Cùng đó, lao động phổ thông nước ta còn có thể tìm kiếm nhiều cơ hội việc làm với những hợp đồng theo thẩm định là tốt như Lybi, UAE với thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng. Trong năm 2010 thị trường này đã thu hút hơn 5.000 lao động và hơn 3000 lao động đến làm việc tại Macao. Cũng theo ông Hải, hiện nay Hàn Quốc đang có sức hấp dẫn lớn với lao động với chỉ tiêu tuyển dụng lớn, gần gũi về phong tục tập quán. Đây là thị trường có thu nhập khá, khoảng 17 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, công việc đa phần là xây dựng, thuyền viên, nông nghiệp, sản xuất chế tạo… phù hợp cho nam giới. Còn thị trường thu hút lao động nữ hiện nay là Đài Loan và Malaysia, tập trung ở lĩnh vực giúp việc gia đình (gần 60%), sản xuất chế tạo (hơn 42%).
Chỉ tiêu XKLĐ trong năm 2011 là đưa 87.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài. Để đảm bảo cạnh tranh, công tác đào tạo nguồn rất quan trọng. Do đó, cùng với việc thúc đẩy các trường nghề cần đẩy mạnh đào tạo nghề (170 cơ sở) theo cơ chế đấu thầu, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, sẽ triển nhanh chóng triển khai xây dựng cơ cở dạy nghề cho lao động xuất khẩu ở Thanh Hóa do UAE hỗ trợ kinh phí, với quy mô khoảng 500 học viên.