Năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị quyết 30a về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện nghèo nhất nước, tỉnh ta có 6 huyện được thụ hưởng những chính sách ưu tiên đầu tư đặc biệt của Chính phủ.
Nghị quyết 30a ra đời với nhiều chính sách hỗ trợ người dân như khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, giao rừng và giao đất để trồng rừng sản xuất; các chính sách hỗ trợ sản xuất gồm quy hoạch sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, sắp xếp dân cư, hỗ trợ khai hoang, phục hóa, tạo ruông bậc thang; hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị cao; hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và phát triển ngành nghề; hỗ trợ lương thực cho hộ nghèo ở thôn, bản vùng giáp biên giới; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, trang trại đầu tư, sản xuất, chế biến, kinh doanh trên địa bàn huyện nghèo... Sau hai năm thực hiện, tổng nguồn vốn bố trí thực hiện các chính sách giảm nghèo tại 6 huyện nghèo của tỉnh đạt trên 3,5 nghìn tỷ đồng, qua đó đã từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn, dần nâng cao đời sống người dân.
Cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, Chính phủ đã ban hành Quyết định 71 phê duyệt Đề án hỗ trợ các hộ nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động (XKLĐ), góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020 theo Nghị quyết 30a. Mục tiêu của đề án là nâng cao số lượng, chất lượng lao động ở các huyện nghèo tham gia xuất khẩu, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập; phấn đấu mỗi năm đưa 10 lao động/xã nghèo đi làm việc ở nước ngoài. Người lao động tại các huyện nghèo, đủ điều kiện tham gia XKLĐ được hưởng các chính sách hỗ trợ nâng cao trình độ văn hóa, học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết; hỗ trợ lao động gặp rủi ro, bất khả kháng khi tham gia chương trình xuất khẩu; người lao động được vay vốn ưu đãi tại Ngân hàng CSXH nhằm thực hiện mục tiêu XKLĐ... Sự ưu tiên, hỗ trợ của Nhà nước là điều kiện thuận lợi để tỉnh ta đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giải quyết việc làm thông qua XKLĐ.
Thông qua các chính sách hỗ trợ trực tiếp trên địa bàn các huyện nghèo, mỗi năm có thêm hàng nghìn lao động được đào tạo nghề, trong 2 năm 2009-2010, có 1.150 người theo học các hệ trung cấp nghề, đào tạo sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên cho 15 nghìn người, trên 2 nghìn lao động được vay vốn giải quyết việc làm với tổng kinh phí 19 tỷ đồng. Trong đó, đã giải quyết việc làm mới cho trên 15 nghìn lượt người, 225 lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài, gần 1,5 nghìn lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong nước. Thực hiện công tác tuyền truyền chương trình XKLĐ theo Quyết định 71, các cơ quan chức năng đã in, phát hành 750 cuốn tài liệu, 29 nghìn tờ rơi với nội dung về chính sách xuất khẩu lao động, thông tin thị trường lao động; hỗ trợ kinh phí tập huấn cho 112 xã và hoạt động giám sát cho 6 huyện nghèo với tổng kinh phí trên 1,3 tỷ đồng; cho 114 người vay vốn XKLĐ với số tiền trên 2,7 tỷ đồng. Từ giữa năm đến nay, có 427 lao động đăng ký tham gia chương trình xuất khẩu, trong đó có 241 lao động thuộc các huyện nghèo qua sơ tuyển đã về Hà Nội học nghề, ngoại ngữ và giáo dục định hướng để đi xuất khẩu tại Malaisia, LiBi và Nhật Bản, 144 lao động đã lên đường đi làm việc ở nước ngoài; hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ cho 19 lao động thuộc huyện nghèo dự khóa tuyển chọn tu nghiệp sinh và thực tập lao động tại Nhật Bản, có 11 lao động đạt yêu cầu đang học tại Hà Nội; hướng dẫn các huyện nghèo lập danh sách lao động học tiếng Hàn để dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc; thực hiện điều tra nhu cầu XKLĐ và nhu cầu việc làm sau khi lao động kết thúc hợp đồng làm việc có thời hạn ở nước ngoài; xây dựng dữ liệu về người lao động thuộc các huyện nghèo làm việc tại nước ngoài để quản lý và trợ giúp khi cần thiết.
Chính sách hỗ trợ lao động các huyện nghèo tham gia chương trình XKLĐ đã và đang mở ra nhiều cơ hội tạo thu nhập, nâng cao tay nghề của người lao động để từng bước xóa nghèo bền vững. Tuy nhiên, đến nay số người lao động nắm bắt được thông tin và tiếp cận với các chính sách hỗ trợ còn rất ít. Qua tìm hiểu tại các địa phương thuộc những huyện nghèo cho thấy, các thông tin về chính sách hỗ trợ XKLĐ được triển khai đến trụ sở UBND cấp xã nhưng chính quyền cơ sở ở nhiều nơi chưa chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến đến thôn, bản nên nhiều lao động chưa biết được chủ trương của Đảng, Nhà nước. Chương trình hỗ trợ XKLĐ đối với các huyện nghèo kéo dài đến năm 2020 với nhiều chính sách ưu đãi cho người lao động, để thực hiện tốt chủ trương lớn này, thiết nghĩ các cấp, các ngành liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền để nhiều người biết, có như vậy mục tiêu đưa lao động đi xuất khẩu nhằm giảm nghèo nhanh, bền vững mới thành hiện thực.