 |
Trước nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tăng, Hà Giang đã có kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Sau 4 năm thực hiện nghị quyết chuyên đề của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác đào tạo nghề đã có kết quả bước đầu. Với tổng kinh phí đầu tư tăng cường năng lực dạy nghề giai đoạn 2006 – 2010 trên 51, 6 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 46, 1 tỷ đồng, đến nay, địa phương đã có một hệ thống bao gồm 15 cơ sở dạy nghề (1 trường Trung cấp nghề, 2 trung tâm có chức năng dạy nghề, 12 trung tâm dạy nghề tại các huyện, thị). Hàng năm, các cơ sở dạy nghề được bổ sung thêm cán bộ, giáo viên có trình độ và nghiệp vụ sư phạm vào các vị trí quản lý, giảng dạy (tại thời điểm năm 2006, mới có 7 cơ sở dạy nghề và chỉ có 72 cán bộ, giáo viên). Để hoàn thành nhiệm vụ và nâng cao tay nghề cho học viên, các cơ sở dạy nghề đã mời thêm các cán bộ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật theo từng chuyên ngành đào tạo hoặc các nghệ nhân tham gia giảng dạy. Tất cả các ngành nghề đều có chương trình, giáo trình đào tạo chi tiết và thường xuyên được chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, cũng như nhận thức của người học. Hiện tại, hệ trung cấp nghề đã xây dựng được chương trình, giáo trình của 6 nghề, hệ sơ cấp đã đảm nhiệm đào tạo 11 nhóm nghề với 23 ngành, nghề khác nhau.
Quy mô tuyển sinh dạy nghề trong toàn tỉnh giai đoạn 2006- 2010 đạt 53.990 người, trong đó hệ cao đẳng nghề là 208 người, trung cấp nghề và học nghề dài hạn là 3.571 người, trên 50 ngàn lượt người tham gia các khoá học nghề ngắn hạn và có chứng chỉ nghề. Đặc biệt, dạy nghề cho lao động nông thôn đang phát huy hiệu quả với nhiều hình thức như dạy nghề tại doanh nghiệp, dạy nghề theo nhu cầu sử dựng lao động của các khu công nghiệp ngoài tỉnh, dạy nghề lưu động tại xã, thôn, bản, dạy nghề xuất khẩu lao động và tập trung dạy các nghề truyền thống, phát triển các nghề mới cũng như chuyển giao kỹ thuật công nghệ… Các mô hình dạy nghề này đã đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động, góp phần tạo việc làm và xoá đói giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm tại chỗ. Theo khảo sát của các cơ sở dạy nghề, hiện sau khi học nghề có trên 70% lao động tìm được việc làm ổn định hoặc tự tạo việc làm cũng như mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất theo mô hình trang trại, làm giàu tại chỗ…
Để đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động, trong thời gian qua, Hà Giang đã kiện toàn tổ chức và từng bước đưa hệ thống cơ sở dạy nghề đi vào hoạt động có nền nếp. Chú trọng bồi dưỡng và bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cũng như nâng cao trình độ tay nghề cho số giáo viên hiện có, đồng thời tổ chức thi tuyển và phối hợp với một số trường đại học sư phạm để tiếp nhận những người đủ tiêu chuẩn quy định. Bên cạnh đó, chương trình, giáo trình dạy nghề được cập nhật, các ngành nghề đang đào tạo đều có chương trình, giáo trình chi tiết cho từng nghề và thường xuyên được bổ sung cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội cũng như nhận thức của người học.
Theo dự báo đến năm 2015, dân số của Hà Giang sẽ là gần 760 ngàn người, trong đó ở độ tuổi lao động chiếm khoảng trên 55% và tập trung chính ở khu vực nông thôn. Cơ cấu kinh tế sẽ là 25% nông, lâm nghiệp; 36% công nghiệp và xây dựng và 39% thương mại và dịch vụ. Địa phương sẽ Phấn đấu đến hết năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45%, trong đó đào tạo nghề chiếm 36%.
Mục tiêu cụ thể là trong năm 2011 tiếp tục đào tạo nghề cho 13.500 lao động, trong đó có khoảng 12.000 lao động nông thôn theo dự án tăng cường năng lực đào tạo nghề và Đề án 1956. Từ năm 2011 đến 2015 sẽ đào tạo cho 67.500 lượt người, trong đó 85% là lao động nông thôn và ưu tiên đối tượng tham gia học nghề là lao động nông thôn thuộc diện hưởng chính sách người có công, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, phấn đấu đưa tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt trên 70%./.
|