XKLĐ là một trong các giải pháp để giải quyết việc làm, góp phần tích cực vào công cuộc xoá đói giảm nghèo. Tiếp tục thực hiện Đề án XKLĐ của tỉnh, trong 5 năm (2006 – 2010), toàn tỉnh đã triển khai, tổ chức thực hiện khá tốt công tác XKLĐ, tạo nên bước chuyển biến về mọi mặt trong kinh tế địa phương.
Theo đánh giá của Sở Lao động &TBXH, từnăm 2006 đến 9/2010 toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 68.420 lao động, trong đó có 2.695 đối tượng tham gia LĐXK, 5.825 đối tượng làm việc tại các tỉnh lân cận, còn lại là các lao động qua đào tạo ngắn hạn phục vụ phát triển kinh tế địa phương. Riêng về công tác XKLĐ, qua 5 năm các đối tượng đã gửi số tiền hơn 141 tỷ đồng về gia đình, giúp trả nợ ngân hàng và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu nhất là vào các thời điểm cuối năm 2008 và năm 2009, nên tình hình XKLĐ tại Hà Giang cũng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực, toàn tỉnh đã có hơn 200 lao động phải về nước trước thời hạn, các đối tượng lao động khi không may phải về nước đa số đều được các doanh nghiệp XKLĐ đền bù một phần về kinh tế. Những ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thị trường đã tác động không nhỏ đến thị trường lao động trong tỉnh, gây ra những xáo trộn trong công tác bố trí và giải quyết việc làm cho lao động, nhất là lao động nông thôn. Về vấn đề này phía Ngân hàng, chủ yếu là Ngân hàng CSXH và Ngân hàng NN&PTNT đều có chủ trương giãn nợ cho người lao động, hỗ trợ lãi suất vay qua uỷ thác của các Hội nên tâm lý người lao động phần nào yên tâm hơn khi đưa con em tham gia XKLĐ. Từ năm 2006 đến năm 2010 Ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân được 38.770 triệu đồng cho hơn 2.053 lượt hộ nghèo vay vốn XKLĐ, với mức trung bình 19 triệu đồng/hộ; cho vay vốn XKLĐ theo Quyết định 71/2009/QĐ - TTg cho 67 lao động với số tiền 1.595 triệu đồng; Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Hà Giang đã giải ngân 2.853 triệu đồng cho 323 lượt hộ vay vốn phục vụ phát triển kinh tế nông thôn và XKLĐ.
Những kết quả đạt được thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của các ban, ngành đặc biệt là Sở LĐTBXH, tuy nhiên, so với mặt bằng chung, công tác giải quyết việc làm cho lao động tỉnh ta vẫn bộc lộ nhiều hạn chế cần khắc phục, đó là do đặc thù nguồn lao động chính chủ yếu là đồng bào dân tộc, tư duy lao động yếu,hình thức canh tác nông nghiệp lạc hậu; thứ đến là chúng ta đào tạo lao động chưa được chuyên nghiệp, đơn thuần chỉ là dạy nghề để làm nông nghiệp, chưa định hướng được cho lao động thực sự có chuyên môn kỹ thuật để có thể đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp lao động trong và ngoài nước. Một vấn đề nữa là hiện nay Hà Giang chủ yếu trông chờ vào sự đầu tư từ các chương trình, dự án của Nhà nước trong xây dựng, hỗ trợ xoá đói giảm nghèo, do vậy nguồn kinh phí được cấp cho đào tạo lao động còn quá ít so với nhu cầu người lao động. Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động & TBXH phối hợp với 11 huyện, thành phố triển khai công tác đào tạo nguồn nhân lực theo 2 hướng chủ yếu: Đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ là con em đồng bào tại các vùng khó khăn những nghề phù hợp với điều kiện kinh tế, như các lớp may, sửa chữa xe máy, điện dân dụng, xây dựng... nhằm phục vụ chính cho gia đình các đối tượng được đào tạo; thứ 2 là qua Đề án XKLĐ hướng dẫn và tuyển chọn các lao động không thuộc hộ nghèo tại các huyện, thành phố tham gia các khoá đào tạo ngắn hạn, trung hạn để phục vụ công tác XKLĐ; thứ 3 là thông qua sự hỗ trợ của các doanh nghiệp để đào tạo công nhân lành nghề làm việc cho các doanh nghiệp.
Nhìn chung, qua 5 năm triển khai công tác đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động tại tỉnh Hà Giang, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc, trình độ người lao động tại nông thôn được nâng lên rõ rệt; ý thức, tư duy lao động tại các doanh nghiệp, công ty trong và ngoài nước dần chuyên nghiệp hoá. Nguồn lao động đang được chuẩn hoá sẽ tạo nên động lực lớn cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.