Là một huyện vùng cao núi đá khó khăn của tỉnh, Mèo Vạc có địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, toàn huyện có tổng số 18 xã, thị trấn, với 199 thôn bản, tổ dân phố, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm 34,75% tổng số hộ. Dân số toàn huyện có trên 70 nghìn người, trong đó dân tộc Mông chiếm 79%. Tổng số người trong độ tuổi lao động có gần 38 nghìn người, số người ngoài độ tuổi lao động khoảng trên 33 nghìn người.
 |
Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh cấp chứng chỉ học nghề cho các học viên |
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, nhất là khu vực nông thôn, huyện Mèo Vạc đã tiến hành tổ chức và triển khai đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi, nhiều lao động ở nông thôn không có công ăn việc làm nay đã có việc làm và có thu nhập ổn định cuộc sống. Những năm trước đây khi huyện chưa thành lập được Trung tâm dạy nghề, huyện đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề của tỉnh mở được nhiều lớp Trung cấp nghề chăn nuôi, thú y và Trung cấp điện công nghiệp cho lao động ở nông thôn. Đến năm 2009, huyện đã thành lập được Trung tâm dạy nghề và đã tiến hành mở được 30 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, đã góp phần nâng số lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề là 4.573 người, đạt 12,26% tổng số người trong độ tuổi lao động của huyện, trong đó lao động có trình độ và tay nghề ở khối cơ quan nhà nước là 6,09%, khối nông thôn là 6,17%. Mặc dù tỷ lệ lao động đạt thấp so với tổng số người lao động trong độ tuổi đối với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của huyện nói riêng và của toàn tỉnh nói chung, nhưng bước đầu đã hình thành và mở ra một hướng mới, khả quan đối với việc đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn.
Để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện, năm 2010 huyện đã chỉ đạo Trung tâm dạy nghề tiếp tục liên kết với Trung tâm dạy nghề của tỉnh mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Kết quả, bằng các chương trình năm 2010 huyện đã mở được 1 lớp kỹ thuật xây dựng, lớp kỹ thuật trồng cây lương thực, thực phẩm, lớp cắt may cho 641 học viên thuộc hộ nghèo ở nông thôn; mở được 2 lớp mô hình dạy nghề nông nghiệp, mô hình dạy nghề phi nông nghiệp (kỹ thuật xây dựng) cho 70 học viên tại xã Nậm Ban và xã Niêm Sơn. Bên cạnh đo, Trung tâm dạy nghề của huyện được nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 135 giai đọan 2 đã tổ chức mở các lớp dạy nghề cho thanh niên nông thôn có độ tuổi từ 16 – 25 người dân tộc thiểu số cho 257 người, với các nghề như điện dân dụng, trồng cây lương thực, thực phẩm.
Thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2011, với kế hoạch xây dựng là 1.000 người, căn cứ vào kế hoạch đó, trong 3 tháng đầu năm nay, Trung tâm dạy nghề đã tuyển sinh và đã khai giảng được 5 lớp, với 175 người, trong đó nghề trồng cây lương thực - thực phẩm 3 lớp; kỹ thuật cắt may 1 lớp và 1 lớp chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Có thể nói trong những năm qua, bằng sự chỉ đạo tích cực của cấp ủy, chính quyền huyện Mèo Vạc, sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành nên công tác đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn của huyện đã có những chuyển biến tích cực, nhiều lao động đã có công ăn việc làm ổn định và có thu nhập, đây là sự khởi đầu cho người lao động ở nông thôn, giúp họ có tư duy, nhận thức và cách nhìn về lao động theo hướng “chuyên nghiệp hóa” của thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, bởi trình độ lao động thấp sẽ dẫn đến chất lượng lao động thấp và tác động to lớn đến khả năng cạnh tranh của nền kinh tế nói chung, sản phẩm hàng hóa nói riêng. Trong khi đó, với lực lượng lao động giản đơn, không có tay nghề quá lớn sẽ tạo áp lực rất cao cho vấn đề giải quyết việc làm, mà không có việc làm thì không thể nói đến xóa đói giảm nghèo...
Để tiếp tục thu hút lao động ở nông thôn có tay nghề, nhằm nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩyphát triển kinh tế – xã hội, từng bước thực hiện xóa đói giảm nghèo bền vững đã đến lúc cấp ủy, chính quyền của huyện cần có những giải pháp tích cực. Trước hết huyện cần xây dựng kế hoạch và thực hiện đào tạo đội ngũ cán bộ trong toàn huyện, hàng năm phân bổ chỉ tiêu đào tạo và đào tạo lại đối với từng cơ quan và từng xã, thị trấn; chú trọng bồi dưỡng đối với cán bộ chuyên trách và công chức xã, thị trấn, trước mắt ưu tiên đào tạo về văn hóa sau đó đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, đào tạo bằng nhiều hình thức như tập trung, tại chức, trong đó coi trọng đào tạo theo địa chỉ. Để thực hiện được những vấn đề đó, huyện cần có cơ chế chính sách và phối hợp với các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh mở các lớp đào tạo tại chức chuyên môn ở huyện để nâng cao trình độ chuyên môn cho người lao động. Bên cạnh đó có cơ chế, chính sách thúc đẩy và phát triển các ngành nghề truyền thống, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại; bổ sung việc đào tạo nghề và học nghề là môn học bắt buộc tại các lớp học thuộc trường Phổ thông dân tộc Nội trú và Trung tâm giáo dục Thường xuyên của huyện; từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, bố trí đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên giảng dạy đạt chuẩn để đề nghị nâng Trung tâm dạy nghề thành Trường Trung cấp nghề của huyện; phấn đấu hàng năm mỗi xã, thị trấn mở được 2 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động trong độ tuổi tại xã mình. Mặt khác làm tốt công tác tuyên truyền vận động và thực hiện có hiệu quả chủ trương đưa lao động dôi dư đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động, góp phần giảm nghèo nhanh bền vững giai đoạn 2009 – 2020” để giúp người lao động nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật...
Theo dantri.com.vn