Để đạt chỉ tiêu đưa 87.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2011, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trương duy trì các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới, giữ ổn định chất lượng lao động và kiên quyết chấn chỉnh các hành vi sai phạm của các doanh nghiệp.
|
Lao động cần được đào tạo nghề bài bản trước khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài
|
Năm 2010, 85,5 nghìn người đã đi xuất khẩu lao động, đạt 100,64% kế hoạch và tăng 16,4% so với năm 2009.
Tuy nhiên, trong năm 2011, nhiều chuyên gia nhận định, thị trường xuất khẩu lao động sẽ có nhiều bất lợi do tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang tích cực chuẩn bị các giải pháp để giữ ổn định thị trường, tạo việc làm bền vững cho người lao động.
Tận dụng các mối quan hệ lâu dài, truyền thống
Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Đào Công Hải cho biết, các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia… vẫn được duy trì và sẽ tiếp tục nhận nhiều lao động.
Hiện, Việt Nam là nước đưa được nhiều lao động nhất trong 15 nước có Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS). Năm 2010 hai bên đã phối hợp tổ chức được 3 kỳ thi kiểm tra tiếng Hàn, thu hút hàng chục nghìn người tham gia.
Người lao động cũng đã dần quay trở lại với thị trường Malaysia sau 2 năm trầm lắng. Số lao động Việt Nam được đưa sang Malaysia làm việc trong năm 2010 là gần 12 nghìn người, gấp khoảng 4 lần so với năm 2009 (gần 3 nghìn người).
Thị trường Malaysia cũng đang "ấm" dần và trở thành địa chỉ cho lao động phổ thông ở các huyện nghèo bởi chi phí thấp, yêu cầu không nhiều, thu nhập ở mức trung bình (3,5 – 6 triệu đồng/tháng).
Ngoài ra, lao động phổ thông cũng có thể tìm kiếm nhiều cơ hội việc làm tại Trung Đông, Libya, UAE với thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng.
Theo ông Đào Công Hải, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động nên tập trung phát triển theo chiều sâu, đưa lao động đi làm việc tại các thị trường ổn định. Các doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế ở các mối quan hệ lâu dài khi đã nắm rõ luật, quy định về thủ tục tiếp nhận lao động nước ngoài và các chế độ liên quan đến người lao động ở nước tiếp nhận truyền thống.
Nâng cao chất lượng lao động và tìm thị trường mới
Song song với việc duy trì các thị trường truyền thống, việc mở rộng đối tác, tìm kiếm các hợp đồng mới cũng rất quan trọng và cần hướng đi rõ ràng, cụ thể.
|
Doanh nghiệp cần giáo dục định hướng cho người lao động trước khi xuất cảnh
|
Trong năm 2011, Cục quản lý lao động ngoài nước có kế hoạch hoàn thiện các Dự thảo Hiệp định về Hợp tác lao động với một số nước như Belarus, Libya, Romania, Israel…. Đồng thời, phối hợp với Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao để đàm phán Hiệp định thống nhất quản lý nhập cư với Cộng hoà Pháp.
Các kế hoạch liên quan đến pháp lý cũng được tiến hành như xây dựng phương án quản lý các thị trường có đông lao động đi làm việc theo hợp đồng cá nhân; sơ kết tình hình triển khai Luật Người Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài…
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã yêu cầu và phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động chú trọng công tác đào tạo nghề, giáo dục định hướng cho người lao động trước khi xuất cảnh.
Theo nhận định của các chuyên gia, ngay từ đầu năm 2011, các trường nghề cần đẩy mạnh đào tạo nghề theo cơ chế đấu thầu để đào tạo đúng địa chỉ, đúng yêu cầu.
Đặc biệt, cần tập trung vào các nghề như hàn 3G, 6G, xây dựng, đốc công, điều dưỡng viên để đạt tiêu chuẩn khu vực, quốc tế. Sắp tới, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ xây dựng cơ cở dạy nghề cho lao động xuất khẩu ở Thanh Hóa do UAE hỗ trợ kinh phí, với quy mô khoảng 500 học viên.
Nghiêm túc chấn chỉnh công tác quản lý
Hiện tại, Việt Nam có 170 doanh nghiệp được cấp phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh các doanh nghiệp đã tạo dựng được uy tín, vẫn còn nhiều doanh nghiệp còn lơ là trong việc quản lý lao động, chưa tạo được lòng tin với đối tác.
Cục Quản lý lao động ngoài nước vừa có công văn yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu lao động nghiêm túc thực hiện việc chấn chỉnh công tác quản lý lao động ở nước ngoài.
Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết, thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ việc tranh chấp giữa lao động Việt Nam ở nước ngoài và chủ sử dụng lao động nhưng không được doanh nghiệp phát hiện, xử lý kịp thời.
Một vài tổ chức chống đối ở nước ngoài đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người lao động, thông qua hình thức trợ giúp nhân đạo để xuyên tạc chính sách xuất khẩu lao động của Việt Nam, kích động người lao động có hành vi chống phá quan hệ hợp tác lao động và quan hệ hữu nghị giữa nước ta với các nước tiếp nhận lao động.
Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu các doanh nghiệp phải cử cán bộ quản lý tại các nước có nhiều lao động do doanh nghiệp đưa đi, thường xuyên theo dõi, phát hiện và kịp thời xử lý các vụ việc phát sinh đối với người lao động.
Thời gian tới, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng sẽ phối hợp với Thanh tra Bộ thực hiện việc thanh, kiểm tra thường xuyên và đột xuất các doanh nghiệp xuất khẩu lao động; phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý các vụ việc phát sinh liên quan đến các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài…