Chị Phạm Thu H. là nhân viên kế toán cho một công ty tư nhân trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tính đến nay đã là năm thứ 5 liên tiếp làm việc cho công ty này nhưng khi hỏi đến chế độ bảo hiểm và các khoản hỗ trợ khác thì chị vẫn lắc đầu ngán ngẩm. Thậm chí đến hợp đồng lao động chị cũng không có nốt. “Mỗi khi ốm đau vào viện thì “tiền núi cũng lở”, động đến cái gì mình cũng không có. Đem vấn đề ra thắc mắc thì chủ cứ lần lữa, không biết đến khi nào, nhân viên luôn trong tình trạng thấp thỏm “thôi thì đã chờ đành chờ cho chót”.
Đa số lao động di cư lên các thành phố lớn chủ yếu vì lý do kinh tế những mong có dịp đổi đời. Thế nhưng chất lượng cuộc sống của họ liệu đã thực sự thay đổi?.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, ước tính có khoảng 12 đến 16 triệu người VN đã chuyển chỗ ở. Tại các đô thị, có khoảng 30% người nhập cư và phần lớn trong số họ nhập cư vì lý do kinh tế. Ngoài ra, hiện tại VN có trên 500.000 người đang sống và lao động tại hơn 40 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới, chưa kể các đối tượng khác nằm trong diện di cư ra nước ngoài như sinh viên, xuất cảnh đoàn tụ gia đình hay do hôn nhân…
Tuy nhiên, đa phần trong số họ không được quan tâm đến việc nâng cao sức khỏe. Riêng Hà Nội chỉ có 11% người nhập cư có hợp đồng lao động, chủ yếu là các nhóm nhỏ làm việc trong nhà máy, xí nghiệp, công ty. Thống kê mới đây của Bộ Y tế thì chỉ có 30% trong nhóm doanh nghiệp tư nhân có bảo hiểm y tế cho người lao động; có đến 90% người nhập cư nội địa không có bảo hiểm xã hội; nhiều đối tượng nhập cư thường làm việc 14-15 tiếng/ngày, cả 7 ngày/tuần và sống trong môi trường không đảm bảo vệ sinh vì thu nhập quá thấp.
Do tính chất di chuyển nên việc sử dụng bảo hiểm y tế gặp không ít khó khăn. Bệnh nhân chỉ được thanh toán 30% chi phí khám chữa bệnh nếu không khám và chữa bệnh tại nơi đăng ký ban đầu đã tạo nên gánh nặng kinh tế rất lớn cho người nhập cư. Mặt khác, trong kế hoạch bao phủ bảo hiểm y tế, nhóm lao động tự do lại được xếp sau cùng trong lộ trình ưu tiên trong khi nhóm này tập trung rất lớn người nhập cư. Điều này khiến cho gánh nặng bệnh tật ngày một gia tăng.
Di dân “gánh” theo bệnh tật
TS. Trần Thanh Dương, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, di dân dưới mọi hình thức (có tổ chức hay tự do) đều góp phần gia tăng bệnh tật như sốt rét, tiêu chảy, sốt xuất huyết. Ô nhiễm môi trường, điều kiện vệ sinh yếu kém… cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu phát sinh, lây lan nhanh chóng một số bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm như tả, thương hàn, tay – chân – miệng. Cuộc sống của người di cư hầu như chưa ổn định và chưa được chăm sóc đầy đủ so với người dân sống tại địa phương. Ông Dương dẫn chứng, chương trình phòng chống lao quốc gia, người di dân hầu như không được tiếp cận, không được hưởng quyền lợi từ các dịch vụ chăm sóc sứa khỏe do họ không là dân thường trú. Hệ thống phát hiện và điều trị lao ở địa phương tuy có hiệu quả cho cư dân nông thôn nhưng không hoạt động tốt cho những người sống bên ngoài địa giới hành chính đã được đăng ký thường trú.
“Bệnh nhân mắc và tử vong do sốt rét ở dân di cư thường cao hơn dân địa phương. Nguy cơ phơi nhiễm với một số bệnh trong đó có bệnh truyền nhiễm cao hơn gấp nhiều lần so với dân sống định cư”- ông Dương cho hay.
Vì vậy, ông Dương khuyến nghị, cần tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho lao động di cư bằng các biện pháp phát tài liệu, tờ rơi hoặc ít nhất là nói chuyện trực tiếp. Đồng thời cần tiến hành các nghiên cứu về sức khỏe đối với các nhóm di dân để có kế hoạch tuyên truyền và can thiệp có hiệu quả giúp nâng cao và cải thiện sức khỏe cho dân di cư. Kiểm soát chặt chẽ các đối tượng nhập cảnh qua cửa khẩu, kịp thời phát hiện bệnh truyền nhiễm do người nhập cư, nhập cảnh mang đến từ nơi có dịch bệnh…
Theo Bộ LĐ-TBXH
|