(Dân trí) - Trong 6 tháng đầu năm 2011 Việt Nam đã đưa 45.862 người đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, mục tiêu cán đích trong lĩnh vực do Quốc hội đề ra đang gặp nhiều khó khăn do những biến động lớn.
Theo báo cáo từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội: Trong 6 tháng đầu năm 2011, Việt Nam đã đưa đi khoảng 45.862 lao động sang làm việc ở nước ngoài, trong đó có 15.514 lao động nữ.
Báo cáo cụ thể cho thấy, thị trường Đài Loan đạt 17.512 lao động (8.245 nữ); Hàn Quốc đạt 11.186 lao động (1.373 nữ); Malaysia 5.074 lao động (2.260 nữ); Nhật Bản 2.833 lao động (718 nữ); Ả rập xê út 2.416 lao động (24 nữ); Lào 2.162 lao động (776 nữ); Campuchia 1.394 lao động (546 nữ); Macao 1.100 lao động (1.044 nữ); UAE 714 lao động (113 nữ); Cộng hòa Síp 389 lao động (377 nữ) và các thị trường khác 1.082 lao động.
Thị trường xuất khẩu lao động đang có những thay đổi. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Lê Văn Thanh, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, để đạt mục tiêu đưa 87 nghìn lao động đi xuất khẩu mà Quốc hội đã đề ra hồi đầu năm cần có sự nỗ lực từ nhiều đơn vị chức năng. Từ đầu năm đến nay Việt Nam gặp khá nhiều biến cố trong lĩnh vực xuất khẩu lao động: Cuộc nội chiến tại Libya khiến một lực lượng lớn lao động ngoại đang làm việc tại quốc gia này phải nhanh chóng hồi hương, trong đó có hơn 10 nghìn lao độngViệt Nam.
Động đất và sóng thần tại Nhật Bản cũng ảnh hưởng đến lao động Việt Nam đang làm việc tại đó. Mới đây, thị trường xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc cũng đang gặp nhiều khó khăn do tình trạng bỏ trốn của lao động Việt Nam đang ngày càng phát triển…
Ông Thanh cho biết, hiện cơ quan chức năng đang tiến hành khắc phục tình trạng lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc bằng nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ từ cấp địa phương. Tình hình xuất khẩu lao động sang Nhật Bản cũng bắt đầu có nhiều dấu hiệu hồi phục rất khả quan. Các đơn hàng yêu cầu cung cấp lao động Việt Nam từ Nhật Bản đã tăng mạnh. Tuy nhiên, điểm yếu của lao động Việt là trình độ kỹ thuật và ngoại ngữ.
Theo ông Thanh, để đạt mục tiêu xuất khẩu đề ra, cần hướng đến thị trường lao quen thuộc như Malaysia và Đài Loan, đây là những thị trường có yêu cầu khá thấp, phù hợp với trình độ của số đông lao động nước ta. Đặc biệt, trong thời gian qua, thị trường Malaysia đã có những thay đổi tích cực về lương, chế độ đãi ngộ.
Theo Dantri.com.vn