Trái với lo ngại rằng, thị trường xuất khẩu lao động sang Nhật Bản sẽ sụt giảm sau thiệt hại của động đất, sóng thần hồi đầu tháng 3 vừa qua, thị trường này lại bất ngờ trở nên sôi động.
Nếu như trong 3 tháng đầu năm, trung bình, cả nước chỉ có hơn 200 lao động sang Nhật Bản làm việc mỗi tháng, thì trong tháng 4, đã có tới gần 600 người và tháng 5 là gần 500 người xuất cảnh sang thị trường này làm việc.
Theo Cục Quản lý Lao động ngoài nước, đơn vị đã thẩm định và chấp nhận một lượng lớn đơn hàng của các doanh nghiệp đưa lao động sang Nhật Bản làm việc, chiếm tới hơn 70% lượng hợp đồng xuất khẩu lao động ở nước ngoài được các doanh nghiệp trình lên Cục thời gian qua.
“Trước đây, lao động Việt Nam được doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao. Nhưng sau trận động đất, sóng thần vừa qua, hình ảnh lao động Việt Nam càng được nâng lên rõ rệt trong mắt chủ sử dụng Nhật Bản”, Tổng giám đốc Công ty Xuất khẩu lao động Airserco Nguyễn Xuân Vui cho biết.
Theo ông Vui, khi thảm họa động đất, sóng thần xảy ra, trong khi nhiều lao động Trung Quốc ồ ạt bỏ về, thì lao động Việt Nam vẫn bình tĩnh làm việc. Nhiều lao động còn tích cực giúp nhân dân Nhật Bản khắc phục thiên tai, có người sẵn sàng làm thêm giờ mà không nhận lương để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. “Đó là nguyên nhân khiến số lượng hợp đồng cung ứng lao động của Việt Nam cho các doanh nghiệp Nhật Bản tăng mạnh thời gian qua”, ông Vui nói.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước Lê Văn Thanh nhận định, đây chính là thời điểm thuận lợi để các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đẩy mạnh đưa lao động sang làm việc tại Nhật Bản. Cục vừa có công văn đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh Đắk Nông, Sóc Trăng, Gia Lai, Trà Vinh và Kon Tum chuẩn bị mỗi tỉnh 20 ứng viên tham gia đợt tuyển chọn nhân lực đi tu nghiệp tại Nhật Bản sắp tới.
Các doanh nghiệp cũng đang có rất nhiều hợp đồng với yêu cầu cung ứng hàng trăm lao động cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Ví như, Airserco đang cần tuyển 200 lao động sang làm việc tại Nhật Bản trong các ngành: sản xuất phụ tùng ô tô, tiện kim loại, đúc - mạ kim loại, hàn hồ quang, chế biến thực phẩm, may… Trong số này, có 80 chỉ tiêu tuyển nữ công nhân may và 52 chỉ tiêu tuyển nam công nhân hàn hồ quang. Ngoài ra, Công ty cổ phần Phát triển nguồn nhân lực (LOD) cần tuyển 300 lao động sang Nhật Bản thuộc các ngành nghề: cơ khí, sửa chữa đóng tàu, chế biến nông sản…
Theo Chương trình Hợp tác tu nghiệp sinh giữa hai nước, khi sang Nhật Bản làm việc, người lao động Việt Nam không phải đóng phí đặt cọc, mà chỉ mất chi phí làm hộ chiếu, lệ phí visa, khám sức khỏe.
Trong thời gian 3 năm tu nghiệp tại Nhật Bản, người lao động được hưởng trợ cấp tu nghiệp trong năm đầu khoảng 800-1.000 USD/tháng; từ năm thứ hai, được trả lương theo hợp đồng ký với công ty tiếp nhận, với mức lương khoảng 1.000-1.500 USD/tháng (chưa kể tiền làm thêm ngoài giờ).
Sau khi hoàn thành 3 năm tu nghiệp về nước, Hiệp hội Phát triển nhân lực quốc tế của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản hỗ trợ mỗi tu nghiệp sinh 600.000 yên làm vốn.
Theo Bộ LĐ-TBXH