HGĐT- Với quan điểm nhân lực của mỗi quốc gia nói chung, của mỗi địa phương nói riêng là tổng hợp những tiềm năng lao động có trong một thời điểm xác dịnh, bao gồm các nhóm yếu tố biểu thị về thể chất, trí tuệ, năng lực, tính năng động xã hội và khả năng phát triển việc làm của một bộ phận dân số trong độ tuổi quy định, đang có việc làm và chưa có việc làm nhưng có khả năng làm việc.
UBND tỉnh ta đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2011 - 2020, đồng thời xác định phát triển nhân lực là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo niên giám thống kê, Hà Giang có 727.000 nhân khẩu, dân cư chủ yếu sống ở nông thôn miền núi chiếm 86%, còn lại 14% sống ở thành phố, thị trấn. Hà giang là tỉnh có lực lượng lao động khá dồi dào và được bổ sung hàng năm vì nhóm tuổi chủ lực của lực lượng lao động từ 15 đến 64 chiếm tỷ lệ 51,3% với trên 372.000 người, điều này được đánh giá là lợi thế rất lớn đối với sự phát triển của tỉnh nếu tận dụng được tính ưu việt về lực lượng lao động. Nhưng nguồn lao động đã qua đào tạo của tỉnh ta chỉ chiếm một tỷ lệ rất thấp 27% so với số người trong độ tuổi lao động, trình độ đào tạo nguồn lao động của tỉnh chưa đồng đều, lao động có trình độ cao đẳng, đại học chiếm tỷ lệ thấp về số lượng, yếu về chất lượng chuyên môn, kỹ thuật; số người trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo còn quá lớn chiếm tới 73%. Điều này cho thấy, mặc dù số lượng lao động ở Hà Giang khá lớn, nhưng trình độ học vấn của lao động trong tỉnh còn thấp so với các tỉnh trong khu vực và cả nước do chưa được quy hoạch và đào tạo, đồng nghĩa với chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Lực lượng công nhân kỹ thuật được đào tạo trình độ trung cấp trở lên còn hạn chế; số lượng trí thức đầu ngành có trình độ cao và chuyên gia còn ít. Do chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động nên số lượng lao động thất nghiệp và thiếu việc làm còn cao. Đây là một trong những nguyên nhân làm hạn chế, ảnh hưởng bất lợi đến việc khai thác tiềm năng và thế mạnh kinh tế của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Để giải quyết vấn đề nêu trên, Thường trực UBND tỉnh thể hiện quan điểm cần phát triển nhân lực một cách toàn diện, đó là gắn kết một cách chặt chẽ các khâu từ nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo sức khỏe, giáo dục - đào tạo, dạy nghề đến tạo việc làm, quản lý và sử dụng nhân lực. Thực hiện song song hai nhiệm vụ cơ bản là xây dựng đội ngũ lao động chất lượng cao, đi đôi với sử dụng lao động, tạo việc làm ổn định cho đại bộ phận lao động trong tỉnh. Trước mắt tỉnh ta ưu tiên cho lĩnh vực đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức ngành nghề vì hiện nay nguồn nhân lực của tỉnh mới ở mức trung bình so với các tỉnh vùng cao phía Bắc và Tây Bắc. Phấn đấu thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục - đào tạo, chú trọng xây dựng phương án cho các doanh nghiệp (DN) tham gia góp vốn trong các cơ sở đào tạo để đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu của DN và tuyển dụng khi sinh viên tốt nghiệp. Trên cơ sở đó UBND tỉnh xây dựng mục tiêu, phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng trên cả ba yếu tố cơ bản là sức khỏe, kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức và cơ cấu hợp lý theo nhu cầu phát triển của nền kinh tế - xã hội. Đồng thời đặt phát triển nhân lực trong mối quan hệ mật thiết giữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa, tiếp tục phân bố lại dân cư trên địa bàn tỉnh nhằm đạt tới sự phát triển hài hòa giữa thành thị và nông thôn, giữa nông nghiệp và các ngành khác, tạo sự bứt phá mới về kinh tế - xã hội.
Theo tính toán dự báo tổng cung lao động của tỉnh năm 2011 là 364.696 người, năm 2015 là 415.498 người, năm 2020 là 516.122 người. Dự báo tổng cầu lao động của tỉnh năm 2011 là 363.900 người, trong đó lao động ngành Nông - lâm nghiệp - thủy sản 270.160 người chiếm 74,2%, lao động ngành Công nghiệp - xây dựng 36.430 người chiếm 10%, lao động ngành dịch vụ 57.310 người chiếm 15,7%; Dự báo tổng cầu lao động của tỉnh ta năm 2015 là 412.020 người, trong đó lao động ngành Nông - lâm nghiệp - thủy sản 275.050 chiếm 66,8%, lao động ngành Công nghiệp - xây dựng 49.500 người, chiếm 12,9%, lao động ngành dịch vụ 87.470 người chiếm 21,2%. Với các số liệu tính toán nêu trên, UBND tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ lao động xã hội qua đào tạo đến năm 2015 là 45%. Trong đó bình quân mỗi năm trong giai đoạn này tỉnh ta đào tạo được khoảng 13.000 lao động. Đến năm 2020, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 60%, bình quân mỗi năm trong giai đoạn này tỉnh ta đào tạo được khoảng 20.000 lao động. Đồng thời UBND tỉnh xác định do nhu cầu giữa tổng cung và tổng cầu lao động hàng năm trên địa bàn tỉnh không cân đối, theo lý thuyếtnguồn cung lớn cầu lao động bình quân mỗi năm dư thừa khoảng 6.000 đến 6.500 người, nhưng trên thực tế số lao động dư thừa của tỉnh còn lớn hơn rất nhiều, vì trong tổng số cung lao động của tỉnh còn một phần lớn số lao động chưa được đào tạo về trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu làm việc. Do đómục tiêu ưu tiên hàng đầu trong những năm tới của tỉnh là công tác xuất khẩu lao động và đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh.
Có thể khẳng định, quy hoạch và phát triển nhân lực Hà Giang thời kỳ 2011 - 2020 có vai trò ý nghĩa quyết định thắng lợi công cuộc CNH-HĐH, bảo đảm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp đồng bộ và thống nhất của các sở, ban, ngành và các địa phương, công tác quy hoạch và phát triển nhân lực của tỉnh sẽ được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần đưa tỉnh nhà phát triển ngang bằng với các tỉnh vùng lân cận.
Theo baohagiang.vn