(Dân trí) - Liên quan đến việc hơn 10.000 lao động Việt Nam làm việc tại Libya phải về nước trước thời hạn, Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu lao động 50% khoản tiền môi giới phải hoàn trả cho người lao động cùng các khoản chi phí khác.
Những người lao động Việt Nam đầu tiên dời Libya về nước sớm. (Ảnh: Cục QLLĐNN)
Thủ tướng Chính phủ vừa cho phép Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và Bộ Tài chính được sử dụng Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước để hỗ trợ các doanh nghiệp được phép đưa lao động đi làm việc ở Libya.
Khoản kinh phí hỗ trợ dự kiến là trên 50 tỷ đồng, được lấy từ nguồn Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Theo đó, Quỹ này sẽ hỗ trợ 50% khoản tiền môi giới doanh nghiệp phải hoàn trả cho người lao động. Cùng đó, toàn bộ chi phí mà DN đã chi ra để đưa người lao động Việt Nam từ Libya về nước cũng sẽ được Quỹ hỗ trợ 100%. Ngoài ra, Quỹ cũng hỗ trợ các doanh nghiệp đã đưa lao động đi làm việc từ Libya về nơi cư trú mức 300 nghìn đồng/người lao động. Trường hợp doanh nghiệp đã chi phí cao hơn mức trên thì được hỗ trợ theo hóa đơn, chứng từ chi thực tế. (Trước đó, theo chỉ đạo từ Bộ LĐ- TB&XH mỗi DN đã chi ngay 1 triệu đồng/người hỗ trợ lao động về nơi cư trú).
Quyết định của Thủ tướng cũng nêu rõ, riêng người lao động thuộc 62 huyện nghèo thuộc Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020) sẽ được hỗ trợ thêm 50% so với mức hỗ trợ cho các đối tượng lao động khác từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.
Đối với các khoản vay của người lao động từ Libya phải về nước sớm, Thủ tướng chỉ đạo các Ngân hàng Chính sách xã hội gia hạn nợ, khoanh nợ đối với khoản vay tín dụng; người lao động nếu có nhu cầu được tiếp tục vay vốn để đi làm việc ở nước ngoài theo quy định hiện hành.
Từ cuối tháng 2 và đầu tháng 3 vừa qua, do tình hình bất ổn tại Libya, hơn 10.000 người lao động Việt Nam tại Libya đã được đưa về nước an toàn.
Lãnh đạo Cục Quản lý lao động Ngoài nước, Bộ LĐ- TB& XH nhận định, đây là sự kiện bất khả kháng. Do đó cả doanh nghiệp đưa lao động đi xuất khẩu và người lao động đều phải chịu thiệt thòi. Ngay sau khi các người lao động trở về nước, Cục đã yêu cầu các DN thang lý hợp đồng đối với người lao động sau 2 tuần. Tuy nhiên, do vướng mắc từ cơ chế, rất nhiều DN chưa thực hiện được công tác chi trả các khoản tiền như chi môi giới, lương…
Kể từ khi trở về nước tới nay, nhiều người lao động mới chỉ nhận được khoản hỗ trợ khẩn cấp 1 triệu đồng, chi phí về nơi cư trú.
Theo dantri.com.vn