Xuất khẩu lao động (XKLĐ) nước ta hồi đầu năm đã bị một cú sốc khi trên 10.000 lao động làm việc tại Libya phải về nước trước thời hạn. Chưa hết, gần đây, phía Hàn Quốc tạm dừng việc tổ chức thi tiếng Hàn để tuyển lao động Việt Nam vì người lao động bỏ trốn quá nhiều.
Đau đầu vì lao động bỏ trốn
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, đến nay Việt Nam đã đưa được 63.000 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo thỏa thuận giữa Bộ LĐTB-XH và Bộ Lao động và Việc làm (LĐ-VL) Hàn Quốc. Về năng lực, lao động Việt Nam được các ông chủ Hàn Quốc đánh giá cao về sự chăm chỉ, cần cù, sáng tạo nên luôn dẫn đầu so với lao động của 14 quốc gia khác làm việc tại Hàn Quốc.
Với mức thu nhập mỗi lao động trên 1.000 USD/tháng, thị trường lao động Hàn Quốc đang hấp dẫn lao động Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm, đã có trên 14.000 lao động sang làm việc tại Hàn Quốc. Thế nhưng, lao động Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị thị trường Hàn Quốc “cấm cửa” mà lỗi chủ quan thuộc về người lao động.
Theo thống kê của Bộ LĐ-VL Hàn Quốc, hiện có 8.780 lao động Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp, đứng đầu về số lượng so với các quốc gia có lao động tại Hàn Quốc. Tình trạng lao động bỏ trốn đang gia tăng khi từ đây đến cuối năm, có không ít lao động hết hạn hợp đồng. Đó là chưa kể đến các lao động chưa hết hạn hợp đồng nhưng bỏ trốn hoặc bỏ trốn ngay sau khi nhập cảnh vào Hàn Quốc đã khiến cho tình hình càng thêm căng thẳng.
Không chỉ Hàn Quốc, tại Malaysia, con số lao động Việt Nam bỏ trốn, làm việc bất hợp pháp theo ước tính cũng trên 10.000 người. Mới đây, để tăng cường quản lý và ngăn chặn các loại tội phạm liên quan tới người nhập cư, Chính phủ Malaysia cũng đang có kế hoạch trục xuất số lao động bất hợp pháp về nước. Hầu hết những người này đều là người nhập cảnh Malaysia theo đường du lịch rồi ở lại chứ không thuộc diện lao động do các công ty tuyển dụng lao động Việt Nam đưa sang rồi phá hợp đồng.
Tương tự, lao động Việt Nam tại Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Nga, tỷ lệ bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp cũng khá cao.
Siết chặt quản lý lao động
Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho hay, trước tình trạng người lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp và chuyển đổi nơi làm việc vì lý do không chính đáng gia tăng, Bộ LĐTB-XH đã giao Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng đề án ngăn ngừa tình trạng cư trú bất hợp pháp và chuyển đổi nơi làm việc vì lý do không chính đáng của người lao động làm việc tại Hàn Quốc.
Theo chủ trương, với những thị trường có nhiều lao động bỏ trốn như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… cục sẽ áp dụng các biện pháp như thay đổi cách thức tuyển chọn lao động trong ngành nông nghiệp và ngư nghiệp, yêu cầu lao động đặt cọc trước khi đi, siết chặt việc làm hồ sơ khám sức khỏe, đồng thời gia đình và chính quyền phải có trách nhiệm đưa người thân đang bỏ trốn về nước... Còn riêng thị trường Hàn Quốc, giải pháp “rắn” là xử phạt các trường hợp cư trú bất hợp pháp, thậm chí hạn chế tuyển chọn lao động ở các xã có nhiều lao động bỏ trốn.
Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam cũng cho biết, Chính phủ Hàn Quốc đang thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp. Cảnh sát tư pháp của Hàn Quốc sẽ tăng cường lực lượng để truy quét gắt gao những lao động trốn ra ngoài. Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ xử phạt những chủ sử dụng lao động bất hợp pháp, với số tiền tối đa 20.000 USD, bị cấm vĩnh viễn không được sử dụng lao động nước ngoài hoặc có thể bị cấm hoạt động. Còn lao động bất hợp pháp sẽ bị xử phạt tối đa 40 triệu won hoặc bị phạt tù tối đa là 12 tháng và không bao giờ được quay trở lại Hàn Quốc làm việc.
Theo molisa.gov.vn