Dù phía Hàn Quốc chưa tuyên bố tạm dừng tuyển lao động (LĐ) Việt Nam nhưng với điều kiện đưa ra, cửa cho LĐ nước ta sang Hàn Quốc sẽ hẹp dần lại.
Không chỉ Hàn Quốc mà rất nhiều thị trường khác, vấn nạn LĐ bỏ trốn đã đóng lại cánh cửa xuất khẩu LĐ với Việt Nam.
Người LĐ Việt Nam nhập cảnh vào Hàn Quốc.
Trong số LĐ bỏ trốn tại Hàn Quốc có những người hết thời hạn hợp đồng 5 năm muốn ở lại để tiếp tục làm việc, có những người bỏ trốn ngay tại sân bay khi máy bay vừa hạ cánh.
Ông Phan Văn Minh, giám đốc trung tâm Lao động ngoài nước thuộc bộ Lao động – thương binh và xã hội, cho biết, nhiều LĐ đăng ký đi làm việc nông nghiệp, thuỷ sản để dễ lọt qua vòng tuyển chọn, đến khi đưa sang tới sân bay là bỏ trốn.
Tại Nhật Bản, tỷ lệ bỏ trốn của LĐ nước ta luôn đứng hàng đầu trong các nước đưa LĐ sang tu nghiệp. Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản (IMM) phải đưa ra chính sách: nếu LĐ về đúng hạn thì được trợ cấp thêm từ 10.000 – 20.000 USD.
Nhiều thị trường khác do LĐ bỏ trốn nên cánh cửa đã đóng lại với Việt Nam như Anh, Canada, Mỹ…
Với một thị trường tiếp nhận số lượng lớn LĐ nước ta (hơn 10.000 người/năm) như Hàn Quốc, việc dừng thi tuyển mới để giải quyết LĐ bỏ trốn là một cú sốc với hàng chục ngàn LĐ đã học tiếng Hàn và đang đợi thi.
Trao đổi với phóng viên, ông Jung Jin Young, trưởng đại diện cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết ông có nghe thông tin về việc LĐ Việt Nam đi Hàn Quốc phải mất tới 9.000 USD trong khi chi phí thật tổng cộng là 710 USD.
Còn ông Phan Văn Minh tiết lộ, qua phỏng vấn LĐ, cơ quan này cũng phát hiện một số cơ quan phối hợp tại các tỉnh có thu thêm tiền của người LĐ nên đã yêu cầu trả lại.
Tuy nhiên, tới thời điểm này mức chi phí thực để LĐ đi Hàn Quốc vẫn còn nhiều đồn thổi và không ít LĐ khẳng định, họ không thể đi với chi phí 710 USD. Chi phí trước khi đi cao là nguyên nhân quan trọng khiến LĐ phải cố bỏ trốn để tìm công việc khác có thu nhập cao hơn bù lại.
Trước năm 2004, khi Hàn Quốc tiếp nhận LĐ nước ngoài theo hình thức tu nghiệp sinh, LĐ mất tiền đặt cọc cao, người làm đúng theo hợp đồng có thu nhập thấp hơn hẳn so với người bỏ trốn ra bên ngoài làm việc khác nên LĐ cứ có cơ hội là trốn. Tới năm 2004, phía Hàn Quốc thay đổi chính sách với LĐ nước ngoài, kéo dài thời gian làm việc của LĐ nước ngoài từ hai, ba năm lên 5 năm, và áp dụng chính sách đối với LĐ nước ngoài như LĐ bản địa. Tuy nhiên tới thời điểm này, chính sách đó cũng chưa thực sự giúp giảm được LĐ bỏ trốn.
Nhật Bản cũng đã phải thay đổi chính sách tiếp nhận LĐ nước ngoài để giảm LĐ bỏ trốn. Đó là việc trả lương cho LĐ nước ngoài tương đương như LĐ bản địa, rút ngắn thời gian LĐ hưởng lương học nghề từ một năm xuống còn hai tháng, nghiêm cấm các doanh nghiệp đưa LĐ sang thu tiền đặt cọc…
Theo dantri.com.vn