Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS) được thực hiện từ năm 2004 theo Thỏa thuận giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Việc làm và lao động Hàn Quốc. Kể từ khi thực hiện chương trình này tới nay, 62.971 lao động Việt Nam đã đi làm việc tại Hàn Quốc. Người lao động làm việc theo chương trình này đại bộ phận là lao động phổ thông, làm việc chủ yếu trong ngành sản xuất chế tạo (79%), số còn lại làm việc trong các ngành Nông nghiệp (10%); Xây dựng (8,8%), Ngư nghiệp và dịch vụ (2,2%).
Nhìn chung, đa số người lao động Việt Nam được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc đánh giá cao về sự chăm chỉ, cần cù, sáng tạo… Chính vì vậy số lượng người lao động Việt Nam được chủ sử dụng lao động lựa chọn luôn dẫn đầu so với lao động của 14 quốc gia phái cử khác.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, số lượng người lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc ngày càng gia tăng làm ảnh hưởng đến hình ảnh của lao động Việt Nam nói chung và quan hệ hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Theo thống kê của Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc, trong tổng số trên 60.000 lao động Việt Nam hiện đang làm việc tại Hàn Quốc, có 8.780 người đang cư trú bất hợp pháp, đứng đầu về số lượng so với các quốc gia phái cử (Trung Quốc là 5.100 người; Philippin là 4.958 người; Indonesia là 3.728 người; Mông Cổ là 3.515 người; Thái Lan là 3.216 người). Nghiêm trọng hơn là tình trạng người lao động bỏ trốn ngay sau khi nhập cảnh vào Hàn Quốc cũng tăng lên trong thời gian gần đây.
Bên cạnh đó, người lao động Việt Nam cũng bị phía Hàn Quốc xếp vào tốp dẫn đầu so với các nước khác về yêu cầu đòi chuyển đổi chỗ làm việc với các lý do không chính đáng (chiếm tỷ lệ 32%). Một bộ phận người lao động ta chưa có ý thức chấp hành pháp luật và kỷ luật lao động, kỹ năng giao tiếp tiếng Hàn còn nhiều hạn chế.
Tình trạng này đã ảnh hưởng xấu đến hình ảnh lao động Việt Nam và tình hình hợp tác lao động giữa ta và Hàn Quốc. Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã cân nhắc đến biện pháp hạn chế việc tổ chức kỳ kiểm tra tiếng Hàn hoặc cắt giảm chỉ tiêu tiếp nhận lao động Việt Nam. Nếu tình trạng trên trở nên nghiêm trọng hơn thì phía Hàn Quốc có thể áp dụng biện pháp dừng thực hiện thỏa thuận phái cử lao động Việt Nam sang Hàn Quốc.
Trước tình hình đó, để ổn định và phát triển trở lại thị trường Hàn Quốc, trong 3 ngày 07; 08 và 09/9/2011, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tọa đàm nhằm tuyên truyền về các giải pháp ngăn ngừa tình trạng cư trú bất hợp pháp và chuyển nơi làm việc vì lý do không chính đáng của lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc tại Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An. Tọa đàm là cơ hội để cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam, đại diện phía Hàn Quốc và người dân trao đổi, đối thoại nhằm thông tin sâu rộng tới người dân về tình hình lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc qua đó động viên, kêu gọi con em họ đang làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng hạn cũng như thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng nêu trên.
Tại buổi tọa đàm, ông Đào Công Hải – phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, trước tình trạng người lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp và chuyển đổi nơi làm việc vì lý do không chính đáng gia tăng, Lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã giao cho Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với Trung tâm lao động ngoài nước, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và các cơ quan liên quan xây dựng Đề án ngăn ngừa tình trạng cư trú bất hợp pháp và chuyển đổi nơi làm việc vì lý do không chính đáng của người lao động làm việc tại Hàn Quốc. Để giải quyết vấn đề nêu trên, Đề án đã đưa ra một số giải pháp, như: Thay đổi cách thức tuyển chọn lao động trong ngành nông nghiệp và ngư nghiệp; Phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình động viên người lao động về nước; xử phạt các trường hợp cư trú bất hợp pháp; Áp dụng biện pháp hạn chế tuyển chọn người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc từ các xã/phường có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp cao; Áp dụng hình thức đặt cọc hoặc bảo lãnh để chống bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp; Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc; Tăng cường công tác quản lý lao động của Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc; Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người lao động về trách nhiệm phải về nước đúng hạn; các chính sách áp dụng với những người lao động về nước đúng hạn (như được nhận lại khoản tiền bảo hiểm hồi hương, được nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển để tiếp tục làm việc hợp pháp tại Hàn Quốc, được đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm...); Thực hiện các chương trình hỗ trợ người lao động về nước như kết nối việc làm cho người lao động đã hoàn thành hợp đồng về nước với các chủ sử dụng lao động đặc biệt là các công ty Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam; phối hợp tổ chức đào tạo nghề miễn phí cho người lao động sau khi về nước.
Đại diện cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD) tại Việt Nam cũng tham dự tọa đàm và cho biết, Chính phủ Hàn Quốc cũng đang thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại nước này. Hiện, Cảnh sát tư pháp của Hàn Quốc tăng cường tổ chức các lực lượng để truy quét gắt gao lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp. Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc áp dụng hình thức xử phạt đối với chủ sử dụng lao động sử dụng lao động bất hợp pháp, các chủ sử dụng này sẽ bị phạt tiền tối đa 20.000 USD, bị cấm vĩnh viễn không được sử dụng lao động nước ngoài hoặc có thể bị cấm hoạt động. Người lao động cư trú bất hợp pháp sẽ bị xử phạt tối đa 40 triệu won hoặc bị phạt tù tối đa là 12 tháng. Trong trường hợp người lao động không nộp phạt thì sẽ bị buộc phải cải tạo lao động để đủ tiền nộp phạt. Những lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc sẽ không bao giờ được quay trở lại nước này làm việc.
Đại diện chính quyền các xã có lao động đi làm việc tại Hàn Quốc tới dự tọa đàm và cho biết, họ sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân trong xã kêu gọi người thân của họ đang làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng hạn. Bên cạnh đó, họ sẽ phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương trong việc vận động những lao động được chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn ký cam kết không bỏ ra ngoài làm việc trái phép và về nước đúng hạn trước khi đi. Với những lợi ích mà chương trình EPS mang lại cho địa phương họ, đại diện chính quyền các xã này rất quyết tâm để giảm và ngăn chặn tình trạng lao động của xã cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc nhằm ổn định lại thị trường để những lao động khác của xã có cơ hội đi làm việc tại quốc gia Bắc Á này.
Về phía người dân, tới dự tọa đàm có người thân của những lao động đang làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc; người thân của những lao động đang làm việc tại Hàn Quốc và sắp hết hạn hợp đồng; những lao động đang học tiếng Hàn và chờ đợt thi và gia đình họ; cùng những lao động đã đỗ kỳ thi tiếng Hàn năm 2010 và đang đợi được chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn. Các gia đình có người thân đang làm việc tại Hàn Quốc đều cho biết, kinh tế gia đình họ đã được cải thiện nhiều nhờ chương trình EPS. Những người dân có con em đang làm việc tại Hàn Quốc và sắp hết hạn hợp đồng hứa sẽ động viên con em mình về nước đúng hạn để tạo cơ hội đi làm việc tại nước này cho những lao động khác đang chờ đợi ở Việt Nam cũng như để tìm kiếm những có hội mới khi về nước. Trong khi đó những lao động đang học tiếng Hàn và người thân của họ lại đang rất hoang mang, lo lắng. Họ không biết phải đợi đến lúc nào kỳ thi tiếng Hàn mới được tổ chức. Một điều rất đáng mừng là những thanh niên đã đỗ kỳ thi tiếng Hàn và đang đợi được chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn cho biết, họ sẵn sàng hợp tác với chính quyền xã để ký bản cam kết về nước đúng thời hạn nếu được đi làm việc tại Hàn Quốc bởi họ biết rằng nếu bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp là vi phạm pháp luật Hàn Quốc cũng như pháp luật Việt Nam và khi đó họ sẽ không thể tự bảo vệ mình. Ngoài ra, với những quy định mới của Chính phủ Hàn Quốc, lao động bỏ trốn ra ngoài sẽ không thể tìm được việc làm có thu nhập hấp dẫn như trước mà ngược lại họ rất dễ gặp rủi ro, thu nhập không đảm bảo và việc làm không ổn định. Bên cạnh đó, bản thân họ nhận thức được rằng việc bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp đồng nghĩa với việc lấy đi cơ hội sang Hàn Quốc làm việc của nhiều lao động Việt Nam khác, không những thế nếu Chính phủ Hàn Quốc dừng không tiếp nhận lao động Việt Nam thì hàng chục nghìn lao động Việt Nam khác sẽ không còn cơ hội được sang làm việc tại thị trường hấp dẫn này.
Theo dolab.gov.vn