Thất nghiệp trong lao động nông thôn (LĐNT) đang có chiều hướng tăng do đất nông nghiệp thu hẹp.
Mặc dù chính sách đào tạo nghề cho LĐNT đã được triển khai tại nhiều địa phương, nhưng do nhiều nơi dạy chưa đúng nghề LĐNT cần nên sau học nghề, tỉ lệ thiếu việc làm trong LĐNT vẫn cao.
Thất nghiệp tỉ lệ thuận với diện tích đất bị thu hồi
Theo đánh giá của Bộ LĐTBXH, đặc thù của thị trường lao động nước ta là thất nghiệp cao ở khu vưc thành thị và thiếu việc làm chủ yếu ở khu vực nông thôn. Thống kê 7 tháng đầu năm cho thấy, tỉ lệ thiếu việc làm của LĐ trong độ tuổi ước tính 3,9% thì ở thành thị chỉ chiếm 2,15%, còn ở nông thôn là 4,6% (năm 2010 là 5,47%).
 |
Diện tích đất nông nghiệp thu hẹp khiến nhiều LĐNT thiếu việc làm. |
Khảo sát của Viện Nghiên cứu định cư (Bộ NNPTNT) cho thấy, hằng năm diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi cho phát triển công nghiệp khoảng trên 70.000ha, cho phát triển đô thị khoảng 10.000ha. Trong quy hoạch từ nay đến năm 2020, tại một số tỉnh, diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi có thể tăng gấp đôi.
Theo tính toán, trung bình mỗi hécta đất thu hồi khiến 14 nông dân mất việc làm. Một nghiên cứu khác của viện này tại một số vùng ven đô của Đồng bằng sông Hồng cho thấy, trước khi thu hồi đất chỉ có 10% LĐ đi làm thuê thì sau khi thu hồi đất, tỉ lệ này là 17%.
Tuy nhiên, trên thực tế, số LĐNT thất nghiệp, thiếu việc làm do bị thu hồi đất còn lớn hơn nhiều.
Kỹ năng nghề vẫn thấp
Một trong những rào cản khiến LĐNT khó chuyển việc, thiếu việc làm là trình độ học vấn và kỹ năng nghề thấp. Cũng vì không có tay nghề nên một bộ phận LĐNT di cư lên thành thị gặp nhiều khó khăn để tìm được việc làm có chất lượng và buộc phải chấp nhận mức lương thấp hơn.
Với mục tiêu giảm tỉ lệ LĐ trong lĩnh vực nông nghiệp từ 52% hiện nay xuống còn khoảng 30-35%, Đề án đào tạo nghề cho LĐNT với mục tiêu mỗi năm đào tạo được 1 triệu LĐNT đã được nhiều địa phương triển khai hơn 1,5 năm qua.
Tuy nhiên, xu hướng chọn nghề phi nông nghiệp như: Điện, điện dân dụng, hàn, may công nghiệp... để học trong LĐNT chiếm tới hơn 50%, nhưng thị trường LĐ tại địa phương chưa phát triển, khiến nhiều LĐNT khó kiếm được việc làm ngay tại địa phương.
Theo lãnh đạo Bộ LĐTBXH: Tới đây, ngoài việc tiếp tục mở rộng hệ thống thông tin hỗ trợ phát triển thị trường lao động, sẽ đẩy mạnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động về cơ sở.
Cụ thể, nếu trước đây, việc tổ chức các sàn giao dịch việc làm thường tập trung ở đô thị, khu- cụm công nghiệp thì sắp tới, sẽ đưa các sàn giao dịch này về huyện, các vùng đông LĐ giúp LĐNT không chỉ nắm được thông tin việc làm trong tỉnh, trong vùng mà cả các tỉnh khác để tăng cơ hội việc làm.
Theo laodong.com.vn