Ngày 5.10, trao đổi với PV Việc làm, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết: 9 tháng năm 2011, cả nước đã đưa 67.500 LĐ đi làm việc ở nước ngoài (bình quân mỗi tháng 7.500 LĐ).
Tuy một số thị trường tiềm năng gặp khó khăn, nhưng nhiều thị trường truyền thống như Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản vẫn rất khả quan. Vì vậy, kế hoạch đưa 87.000 LĐVN đi làm việc ở nước ngoài năm nay hoàn toàn có thể thực hiện được.
|
Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Ngọc Quỳnh |
Thưa ông, năm nay XKLĐ gặp nhiều khó khăn, liệu chúng ta có đạt kế hoạch đã đề ra?
- Suy thoái kinh tế, biến động chính trị tại Libya, những bất lợi từ thị trường Hàn Quốc... đã ảnh hưởng không nhỏ đến XKLĐ năm 2011. Tuy nhiên, đến hết tháng 9.2011, cả nước đã đưa được 67.500 LĐ đi làm việc ở nước ngoài, trong đó Đài Loan dẫn đầu với hơn 27.000 LĐ, Malaysia đưa được 7.500 LĐ...
Ông nhận định thế nào về nhu cầu LĐ tại các thị trường từ nay đến cuối năm?
- Libya là thị trường tiềm năng, nhưng việc khôi phục lại thị trường này phụ thuộc vào sự ổn định chính trị bên đó. Với Hàn Quốc, Chính phủ VN đang cùng Hàn Quốc triển khai các biện pháp để tháo gỡ khó khăn nên không quá lo ngại, tuyển dụng LĐ vẫn diễn ra bình thường. Các thị trường truyền thống vẫn cho kết quả tốt. Cụ thể, với Đài Loan, cục đang chấn chỉnh lại để tăng thêm số lượng; Malaysia được LĐ nhiều LĐ, đặc biệt là các huyện nghèo lựa chọn; còn Nhật Bản, sau động đất, sóng thần, LĐVN đã “ghi điểm” với giới chủ Nhật nên nhu cầu tuyển dụng vẫn tăng trưởng tốt.
Thưa ông, vừa qua, lợi dụng khó khăn của thị trường Hàn Quốc, nhiều đối tượng đã rao công khai trên mạng về việc có “suất” sang làm việc tại Hàn Quốc để lừa đảo, thu giữ tiền bất chính của LĐ với số tiền lên tới hàng ngàn USD. Cục có nắm được việc này không ạ?
- Cục đã nhận được điện thoại của nhiều LĐ phản ánh về việc trên. Tuy nhiên, chúng tôi đã nhiều lần thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và trang web các đơn vị của Bộ LĐTBXH về chương trình đi làm việc tại Hàn Quốc như mức phí, quy trình tuyển chọn, đơn vị được phép tuyển LĐ... Vì vậy, trước những thông tin không chính thống, LĐ nên kiểm tra kỹ hoặc cung cấp thông tin cho chúng tôi để có biện pháp xử lý.
|
Lao động Việt Nam làm việc tại Malaysia. Ảnh: L.H |
Xin ông cho biết các chương trình đưa LĐVN đi làm việc tại Hàn Quốc mà Bộ LĐTBXH VN đang quản lý?
- VN đang triển khai 3 hình thức cung ứng LĐ cho Hàn Quốc, gồm: Chương trình cấp phép làm việc (EPS); thuyền viên tàu cá gần bờ (hiện có 7 DN được phép tuyển LĐ, đối tượng là LĐ vùng biển); LĐ kỹ thuật cao (theo chương trình thẻ vàng).
Xin cảm ơn ông!
Khuyến cáo với LĐ đi làm việc Hàn Quốc theo Chương trình thẻ vàng
Hiện, trên một số trang web như: vatgia.com; tuyensinhtuyendung.vn; rongbay.com... đăng thông tin tuyển dụng đi Hàn Quốc theo Chương trình thẻ vàng với chi phí xuất cảnh từ 4.000-6.000USD và mức lương từ 1.700 USD/tháng trở lên, với điều kiện chỉ cần tốt nghiệp ĐH chuyên ngành công nghệ thông tin, điện, hóa...
Theo Cục QLLĐNN, thẻ vàng là hình thức quản lý LĐ mới của Hàn Quốc cấp riêng cho những LĐ kỹ thuật cao (tiếp nhận LĐ ở các nghề điện tử kỹ thuật số, công nghệ nano, công nghệ sinh học, năng lượng, vật liệu mới, thiết bị vận tải và thương mại điện tử..) nên yêu cầu khắt khe: Ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao; có trình độ tương đương hoặc cao hơn cử nhân trong lĩnh vực liên quan, làm việc trên 2 năm trong lĩnh vực chuyên môn yêu cầu.
Hàn Quốc không hạn chế số lượng chuyên gia công nghệ cao đăng ký vào làm việc tại Hàn Quốc, nhưng phải đảm bảo yêu cầu khi tuyển dụng của các DN Hàn Quốc.
Cục QLLĐNN khuyến cáo: LĐ cần liên hệ với cục để xác minh tính trung thực của DN dịch vụ khi được mời chào đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình thẻ vàng.
|
Nguồn laodong.com.vn