Ngay sau khi Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc sử dụng biện pháp rắn, quyết định hoãn kỳ kiểm tra tiếng Hàn dành cho người lao động Việt Nam làm việc theo Chương trình Cấp phép việc làm cho người lao động nước ngoài (EPS) dự kiến tổ chức vào ngày 7/8/2011, các ngành hữu quan liên quan ở Việt Nam mới khẩn trương tìm các biện pháp khắc phục.
Về phía Bộ LĐ - TB và XH đã có Công văn số 2013/ LĐTBXH -TTLĐNN gửi UBND các tỉnh, trong đó có Nghệ An về việc giải quyết vấn đề người lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc bằng biện pháp tạm dừng tuyển chọn và phái cử người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS từ các địa phương có người lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc.
Gần đây nhất, ngày 9/9/2011, tại Thị xã (TX) Cửa Lò, Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Trung tâm lao động ngoài nước phối hợp với Sở LĐ -TB và XH Nghệ An tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "Các biện pháp ngăn ngừa lao động làm việc theo Chương trình EPS ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp" với sự góp mặt của thân nhân các lao động tại Hàn Quốc, trong đó có những gia đình có người thân thuộc diện bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp. Nhiều biện pháp mạnh được ông Lương Đức Long - Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước cũng đã đề ra bao gồm việc thay đổi cách thức tuyển chọn lao động ngành nông - ngư nghiệp; không tuyển lao động ở địa phương có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao; phối hợp với gia đình và các địa phương vận động lao động bỏ trốn tự nguyện quay trở về nước. Các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng và ban hành pháp lệnh xử phạt hành chính đối với lao động hết hợp đồng nhưng không chịu về nước, mức xử phạt cao nhất có thể lên đến 100 triệu đồng/người...
Về phía tỉnh Nghệ An cũng đã có Công văn số 4509/UBND-VX chỉ đạo các địa phương trong tỉnh tăng cường các biện pháp nhằm hạn chế lao động cư trú bất hợp pháp và chuyển đổi nơi làm việc tại Hàn Quốc. Còn tại TX Cửa Lò, UBND TX đã tổ chức cuộc thi tìm hiểu về pháp luật việc làm và công tác xuất khẩu lao động cho các doanh nghiệp có chức năng môi giới, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động trên địa bàn cùng các phường cử đội tham dự.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những biện pháp trước mắt, hiệu quả của những biện pháp này về lâu dài mới kiểm chứng được, trong khi thị trường lao động Hàn Quốc đang tạm thời khép lại. Tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Nghệ An, địa chỉ đầu mối tuyển dụng lao động xuất khẩu, trong đó có thị trường Hàn Quốc, thời gian này không khí các lớp học tiếng Hàn hết sức ảm đạm. Bà Hoàng Thị Hoa - Trưởng phòng Đào tạo của trung tâm cho biết: "Ngay sau khi có tin Hàn Quốc ngừng tuyển lao động Việt Nam, số lượng học viên đến đăng kí học tiếng Hàn không có. Hiện nay, chỉ còn 4 lớp tiếng Hàn mở từ tháng 5 vẫn hoạt động với số lượng học viên mỗi lớp chỉ 5 đến 10 người". Ông Nguyễn Dư Khương - Trưởng phòng Cung ứng giao dịch việc làm, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh cho biết: Từ đầu năm 2011 đến nay chưa có đợt tuyển lao động nào đi Hàn Quốc, nhiều học viên tham gia học tiếng Hàn xong đang phải ngóng từng ngày.
Hệ quả từ việc các lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp đã thấy rõ khi chính quyền Hàn Quốc sử dụng các biện pháp rắn. Nhiều lao động tại tỉnh ta và trên cả nước vô hình trung phải gánh lấy những hệ quả không hề mong muốn này khi không được cấp phép vào lao động tại Hàn Quốc. Và theo như thông báo của Bộ Lao động và việc làm Hàn Quốc, chỉ khi nào các lao động người Việt hết hạn hợp đồng tự nguyện hồi hương hoàn toàn thì cánh cửa của thị trường này mới mở lại, tức là chính những người lao động này đang nắm trong tay quyết định việc đóng hay mở thị trường Hàn Quốc. "Các biện pháp tuyên truyền, vận động các gia đình có người thân trốn tại Hàn Quốc chỉ là biện pháp tạm thời. Vấn đề chính là những lao động đó phải tự ý thức được hệ quả mình gây ra với những lao động còn lại và tự nguyện quay trở về", ông Phan Sỹ Dương, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB &XH nhận định.
Nguồn molisa.gov.vn