Theo Bộ Nội vụ Malaysia, giai đoạn 2 của chương trình hợp pháp hóa cho người nước ngoài đang lao động bất hợp pháp ở nước này được tính từ ngày 15/10.
Chương trình hợp pháp hoá và ân xá lao động nước ngoài đang làm việc bất hợp pháp tại Malaysia (chương trình 6P) giai đoạn 2 đã được triển khai. Chương trình 6P là chương trình tạo điều kiện cho người lao động người nước ngoài không có giấy tờ hợp pháp và chủ sử dụng những lao động này được phép ra trình diện cơ quan chức năng Malaysia mà không bị truy cứu. Có 2 sự lựa chọn cho người lao động: xin ân xá để về nước hoặc đăng ký làm thủ tục để tiếp tục ở lại làm việc hợp pháp.
Theo thông báo của Bộ Nội vụ Malaysia, giai đoạn 2 của chương trình 6P được bắt đầu từ 15/10. Đây là giai đoạn “hợp pháp hóa” cho lao động nước ngoài sau khi đã ra đăng ký trình diện.
Giai đoạn này được tiến hành theo 3 bước.
Bước 1: Lao động nước ngoài phải hoàn thiện giấy tờ tùy thân và các giấy tờ cần thiết khác (liên hệ với đại sứ quán của nước mình để được cấp, đổi hộ chiếu, giấy tiếp nhận của chủ sử dụng lao động...). Bước 2: Thực hiện tại các trung tâm hợp pháp hóa gồm nộp hồ sơ, phỏng vấn, nộp thuế “levy”, cấp giấy phép hợp pháp hóa. Bước 3: Tiến hành các thủ tục bắt buộc khác như kiểm tra sức khỏe, đóng các loại bảo hiểm... theo quy định đối với lao động nước ngoài làm việc tại Malaysia. Sau các bước trên, Cục Nhập cư sẽ cấp giấy phép làm việc tạm thời (Temporary Work Visit Pass).
Bộ Nội vụ Malaysia đã giúp đỡ lao động khi đăng ký bằng cách sử dụng 35 chi nhánh của Cục Nhập cư trên toàn lãnh thổ Malaysia và chỉ định khoảng 200 công ty môi giới có đủ điều kiện để phối hợp với Bộ Nội vụ thực hiện chương trình này để tiếp nhận người lao động đến đăng ký.
Thời gian kết thúc giai đoạn 2 chưa được xác định.
Bộ Nội vụ Malaysia cũng cho biết chương trình 6P là cơ hội cuối cùng cho những người nước ngoài lao động bất hợp pháp ở nước này. Bởi vì một chiến dịch truy quét lớn sẽ được tiến hành vào cuối năm nay đối với những lao động không chấp hành pháp luật.
Theo Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia, tính đến ngày 26/9, Việt Nam có 13.515 lao động bất hợp pháp và 11.013 lao động trong số này đã đăng ký ở lại làm việc.
Nguồn:baomoi.com