Hiện có khoảng 7,4 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và đã có 146.538 người tới đăng ký thất nghiệp tại các trung tâm giới thiệu việc làm (theo thống kê của Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH tính đến tháng 6/2011).
Quá tải người làm thủ tục BHTN
Tính từ tháng 6-2011 đến nay, lượng người lao động (NLĐ) đến Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội (thuộc Sở LĐTBXH Hà Nội) để làm thủ tục hưởng chế độ BHTN tăng đột biến (8 tháng 2011 đã có hơn 10.400 LĐ đến đăng ký BHTN, trong khi cả năm 2010 cũng chỉ có 4.192 người đăng ký). Ông Vũ Trung Chính - Giám đốc Trung tâm cho biết: Trung tâm đã bố trí 40 cán bộ chuyên trách giải quyết các vấn đề liên quan đến BHTN. Thế nhưng chưa bao giờ trung tâm phải đối mặt với tình trạng quá tải làm thủ tục BHTN như hiện nay. Có những ngày trung tâm phải tiếp 800 - 1.000 người đến trình báo tình trạng việc làm. Do đó, các cán bộ nhân viên bộ phận này thường xuyên phải làm việc liên tục từ 8h - 18h/ngày và hầu như không được nghỉ thứ bảy, chủ nhật. Vào thời điểm này, đang có khoảng 1.000 lao động Tổng Cty cổ phần Dệt may Hà Nội (Hanosimex) đang làm thủ tục. Vì thế, Trung tâm chúng tôi phải bố trí thêm phòng họp để hướng dẫn NLĐ làm thủ tục.

Đăng ký bảo hiểm thất nghiệp
Theo Trung tâm giới thiệu việc làm Tp. Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn có trên 70.000 người lao động đăng ký thất nghiệp, trong khi cả năm 2010, chỉ có khoảng 67.000 người.
Lý giải hiện tượng này tại Hà Nội, ông Chính cho hay, sở dĩ NLĐ đăng ký BHTN tại Hà Nội tăng mạnh, do nhiều nhà máy, xí nghiệp như Hanosimex, Công ty cơ khí Hà Nội... thời gian này thực hiện di dời ra ngoại thành và các tỉnh lân cận theo chủ trương của thành phố nên nhiều NLĐ không chuyển theo được đã xin chấm dứt hợp đồng lao động và họ xin làm thủ tục hưởng BHTN. Bên cạnh đó, cũng do những tác động của khủng hoảng kinh tế, lạm phát khiến nhiều DN thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Vì thế, dự kiến đến hết năm lượng người đến đăng ký làm thủ tục BHTN sẽ còn tăng.
Không loại trừ thất nghiệp ảo
Theo các cán bộ chi trả chính sách BHTN, hiện tượng số lượng người đăng ký BHTN tăng cao bất thường không loại trừ yếu tố ảo không đúng thực tế. Bởi đã có hiện tượng "bắt tay" giữa người sử dụng lao động và người lao động nhằm trục lợi từ chính sách nhân đạo này của Nhà nước.
Bởi theo chính sách BHTN, NLĐ chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 - 36 tháng là được hưởng trợ cấp thất nghiệp 3 tháng. Mức đóng đối với người sử dụng LĐ là 1% lương tháng, NLĐ 1% và Nhà nước hỗ trợ 1%. Mức đóng thấp nên có thể nhiều NLĐ không thất nghiệp vẫn đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thậm chí, có trường hợp NLĐ chấm dứt việc làm ở DN này, sau đó họ trở lại chính công ty con của DN đó làm việc hoặc ký hợp đồng với DN khác. Nghĩa là, họ chủ động mất việc làm, hoặc họ vẫn có việc làm nhưng lại được thanh toán BHTN cũng như sẽ được hưởng mức hỗ trợ học nghề ngắn hạn và thời gian được hỗ trợ học nghề không quá 6 tháng.
Còn về phía các DN, khi thỏa thuận làm quyết định, hay xác nhận cho NLĐ mất việc, nghỉ việc, DN sẽ không phải đóng các chế độ BHXH cũng như không phải chi trả trợ cấp nửa tháng lương/năm công tác. Rõ ràng cả DN và NLĐ không đúng đối tượng đều được hưởng lợi từ chính sách BHTN. Chính vì những kẽ hở này mà thời gian qua, không ít lao động xin nghỉ việc ảo để được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo bà Đỗ Thị Xuân Phương - Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, đây là vấn đề đáng lo ngại. Nếu không quản lý tốt sẽ dẫn tới những kẽ hở, tiếp tục tạo điều kiện cho các đối tượng có động cơ xấu lạm dụng trục lợi. Bên cạnh đó, ngành cũng phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành rà soát các quy định về BHTN sau một thời gian triển khai để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. /.
Nguồn:baolaodongthudo.com.vn