Lao động, việc làm và thất nghiệp luôn là mối quan tâm của mọi nhà nước. Việt Nam với quy mô dân số lớn gần 86 triệu người, trong đó số người trong độ tuổi lao động cả nước có 43,8 triệu người chiếm 51,1% dân số. Hàng năm có từ 1,2 đến 1,5 triệu người bước vào tuổi lao động, nhưng khả năng thu hút lao động của nền kinh tế lại có hạn, do vậy tình trạng thất nghiệp đang là một trong những vấn đề nan giải và hết sức bức xúc.
Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng chỉ ra rằng, trên thị trường lao động nước ta, cung lao động vẫn lớn hơn cầu lao động; lao động không được đào tạo nghề hoặc lao động tay nghề thấp hơn nhiều lao động được đào tạo cơ bản và lao động kỹ thuật cao. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp hoặc thiếu việc làm ngày càng trầm trọng, bởi thị trường lao động tuy có nhu cầu nhưng bản thân trình độ của NLĐ lại không đáp ứng được tiêu chí nghề nghiệp của công việc ấy đòi hỏi.
Trên thực tế, tình trạng lao động mất việc làm hoặc thiếu việc làm đang là áp lực lớn về vấn đề giải quyết việc làm trên cả nước. Không những thị trường lao động trong nước sụt giảm do tác động xấu của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới mà thị trường lao động nước ngoài cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Nhiều thị trường lao động của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malayxia... do sản xuất bị đình đốn hoặc thu hẹp, nhiều lao động Việt Nam cũng phải về nước trước thời hạn.
Trong điều kiện kinh tế xã hội gặp nhiều khó khăn, một chính sách mới trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội đã đi vào cuộc sống và có hiệu lực từ ngày 1/1/2009 đó là chính sách bảo hiểm thất nhiệp (BHTN) cho NLĐ.
BHTN là một loại hình bảo hiểm đã có từ lâu đời trên thế giới, được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước khác nhau, nhất là ở các nước phát triển. Tại Việt Nam, đến năm 2006, khi Luật BHXH được ban hành mới có quy định về BHTN. Trước đó NLĐ nếu mất việc làm hoặc thôi việc được hưởng chế độ trợ cấp mất việc, trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 17 và điều 42 của Bộ Luật Lao động, trong đó nêu rõ, NLĐ bị mất việc làm do cơ cấu lại doanh nghiệp được hưởng trợ cấp mất việc làm, cứ mỗi năm làm việc là một tháng lương; NLĐ thôi việc do hết hạn hợp đồng lao động, do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật được hưởng trợ cấp thôi việc, cứ mỗi năm làm việc được tính 1/2 tháng lương.
Khi kinh tế - xã hội nước ta có bước phát triển mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực và thế giới, vấn đề lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cũng dần tuân thủ theo thông lệ chung của thế giới. Chế độ trợ cấp thôi việc, và mất việc không cờn phù hợp nữa, do đó, việc xây dựng và ban hành chế độ BHTN là rất cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế và sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trên cơ sở Luật BHXH được thông qua và có hiệu lực thi hành ngày 12-12-2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 127/2008/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHTN.
Theo quy định cỉa nghị định này, NLĐ tham gia BHTN là công dân việt nam, giao kết các loại hợp động lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc (HĐLV) với người sử dụng lao động, gồm HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng; HĐLĐ không xác định thời hạn; HĐLV xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng; HĐLV không xác định thời hạn.
Người sử dụng lao động tham gia BHTN là những người có sử dụng từ 10 NLĐ trở lên tại cơ quan nhà nuớc, đơn vị sự nghiệp của nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp; đơn vị sự nghiệp thuộc tổ chức chính trị - xã hội, và tổ chức xã hội khác; doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã; hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê, mướn, sử dụng lao động và trả công cho NLĐ; cơ quan, tổ chức hoạt động tại Việt Nam có sử dụng lao động Việt Nam. Với các quy định như vậy, nếu thực hiện tốt sẽ góp phần bảo đảm an sinh xã hội, NLĐ có cơ hội có lại việc làm hoặc tìm được việc làm mới.
Như vậy, BHTN là loại hình bảo hiểm bắt buộc theo quy định của Luật BHXH. NLĐ được hưởng chế độ BHTN khi đã đóng BHTN đủ 12 tháng trở lên trong thời gian trong thời gian 24 tháng trước khi thất nghiệp đã đăng ký thất nghiệp với tổ chức BHXH; chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp. Mức đóng BHTN của người lao động là 1% tiền lương, tiền công trên tháng của những người tham gia đóng BHTN.
NLĐ được hưởng mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp là 3 tháng, nếu có từ đủ 12 tháng đến dưới 46 tháng đóng BHTN; 6 tháng, nếu có từ đủ 36 tháng đến dưới 72 tháng đóng BHTN; 9 tháng, nếu có đủ từ 72 tháng đến dưới 144 tháng đóng BHTN; 1 năm, nếu có đủ 144 tháng đóng BHTN trở lên. Quỹ BHTN được hình thành từ 1% mức đóng BHTN của NLĐ; 1% của người sử dụng lao động; Hàng tháng, Nhà nước hỗ trợ từ ngân sách bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của những NLĐ tham gia BHTN; tiền sinh lời từ hoạt động đầu tư từ quỹ và một số nguồn thu hợp pháp khác.
Ngoài ra, NLĐ thất nghiệp còn được hưởng chế độ BHYT trong thời gian thất nghiệp, được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí và được hỗ trợ học nghề.
Để được hưởng trợ cấp trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày mất việc, NLĐ phải đến cơ quan lao động tại địa phương (Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, thị xã, hoặc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, nơi NLĐ làm việc và đóng BHTN để khai hồ sơ đăng ký thất nghiệp. Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm: đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp; bản sao hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động và sổ BHXH).
Tính ưu việt của BHTN so với trợ cấp thôi việc và mất việc thể hiện ở chỗ, NLĐ tham gia BHTN không chỉ được đảm bảo trợ cấp bằng tiền để trang trải cho cuộc sống mà còn được giúp đỡ về mặt tinh thần, không phải lo lắng khi ốm đau, được hỗ trợ tìm việc và đào tạo nghề. Nếu xét thuần túy về phương diện kinh tế thì chế độ trợ cấp thất nghiệp có lợi hơn về trợ cấp thôi việc và trong nhiều trường hợp có lợi hơn cả trợ cấp mất việc.
Đơn cử trường hợp một NLĐ đang làm việc theo HĐLĐ với mức lương 2 triệu đồng/tháng, đã đóng BHTN 24 tháng với mức 1%/tháng. Với tổng số tiền NLĐ này đóng BHTN trong 2 năm là 480.000đ, nếu bị thất nghiệp, người lao động được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp là 3,6 triệu đồng (2 triệu x 3 tháng 60% ). Nếu trừ đi 480.000đ của người lao động đóng góp thì NLĐ vẫn nhận về 3,12 triệu đồng, ngoài ra, NLĐ còn được hưởng chế độ BHYT trong thời gian thất nghiệp, được giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề. Khoản chi phí này cũng rất lớn nếu không may NLĐ thất nghiệp bị ốm đau.
Còn nếu người lao động thôi việc thì chỉ được hưởng mỗi năm làm việc ½ tháng lương, vậy NLĐ có 2 năm làm việc sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc là 1 tháng lương, ngoài ra không được hưởng bất cứ chế độ nào khác. Rõ ràng, chế độ trợ cấp thất nghiệp có lợi hơn cho NLĐ so với trợ cấp thôi việc.
Tham gia BHTN còn có lợi cho người sử dụng lao động, thể hiện ở chỗ trước đây, khi chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc, người sử dụng lao động phải lập quỹ dự phòng trợ cấp thôi việc từ lợi nhuận của doanh nghiệp; chi trả trợ cấp thôi việc bằng chi phí đầu vào và hoạch toán vào giá thành, làm tăng chi phí cho sản xuất - kinh doanh. Nay, tham gia BHTN, người sử dụng lao động chỉ đóng 1% quỹ tiền lương của doanh nghiệp. Còn lại, mọi chi trả trợ cấp cho NLĐ do cơ quan BHXH chi trả, ngành lao động, thương binh và xã hội chịu trách nhiệm quản lý lao động thất nghiệp, đào tạo và giới thiệu việc làm cho NLĐ.
BHTN ra đời sẽ góp phần ổn định đời sống và hỗ trợ cho NLĐ được học nghề và tìm việc làm, sớm đưa họ trở lại làm việc. Bên cạnh đó BHTN còn giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước và doanh nghiệp.
Nguồn:molisa.gov.vn