Theo Hội Liên hiệp Thanh niên VN (LHTN), cả nước có hơn 40 triệu người thuộc độ tuổi lao động, trong đó khoảng 16 triệu người là thanh niên.
Xu thế tái cơ cấu DN và cổ phần hoá đòi hỏi Hội LHTNVN tăng cường hơn nữa nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thanh niên trong lĩnh vực lao động việc làm. Đây cũng là nội dung cuộc toạ đàm do Hội LHTNVN tổ chức tại Hà Nội ngày 15.11.
Thanh niên có quyền gì?
Chia sẻ tâm tư của nhiều bạn trẻ, tiến sĩ Trần Văn Miều - nguyên Tổng Thư ký UBQG thanh niên VN - cho biết: Thu hút thanh niên vào tổ chức đoàn, hội, cán bộ cần trả lời được câu hỏi thanh niên sẽ có quyền lợi gì? sự khác biệt giữa đoàn viên, hội viên của hội và thanh niên nói chung?
 |
Cần đồng hành với thanh niên về lao động - việc làm. |
Tổ chức đoàn hỗ trợ được gì về nhu cầu học nghề - việc làm cho thanh niên? Thanh niên đang đối mặt với nhiều thách thức LĐVL. Tiến sĩ Chu Xuân Việt, Viện NC thanh niên (Học viện Thanh thiếu niên VN), bày tỏ: Quá trình tái cơ cấu DN dẫn tới hệ quả sáp nhập, phá sản khiến một lượng lao động trẻ mất việc làm.
Sự phát triển của khói DN dân doanh và cổ phần hóa làm thay đổi chủ sở hữu đặt ra bài toán lớn cho tổ chức thanh niên, công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi ích của hội viên như: Tiền lương, BHXH, chế độ thai sản...
Tại những nơi chưa có chức hội LHTN thanh niên, việc bảo vệ quyền lợi LĐVL của thanh niên còn bị hạn chế. Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ thanh niên chưa ý thức rõ về nghề nghiệp việc làm.
Chị Vũ Thị Giáng Hương, Phó Trưởng ban Công nhân đô thị (T.Ư Đoàn): Nhiều bạn trẻ ở cấp THPT, sức học khiêm tốn nhưng vẫn muốn thi vào ĐH, bỏ qua sự lựa chọn TC-CĐ hoặc thợ nghề. Mâu thuẫn này có thể dẫn tới hậu quả: Thi ĐH trượt, mất cơ hội học nghề và nguy cơ bị đào thải khỏi thị trường LĐ nếu không tỉnh ngộ sớm...
Tạo giải pháp
Theo Hội LHTN VN, những năm qua, hệ thống pháp luật về dạy nghề, lao động việc làm cho thanh niên ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, thanh niên còn cần thêm nhiều hỗ trợ và giải pháp cụ thể hơn nữa.
Anh Nguyễn Mạnh Đạt, Chánh Văn phòng Hội LHTN VN TP.Hà Nội đưa ra đề xuất: Hội không chỉ dừng lại ở chức năng giám sát và thẩm định, Nhà nước cần có chính sách để hội trở thành kênh vay vốn giải quyết việc làm cho thanh niên; tăng cường các khóa tập huấn, đào tạo về phương pháp quản lý tài chính và khởi sự lập nghiệp cho thanh niên; xây dựng chính sách hỗ trợ và bảo vệ thanh niên khi tham gia XKLĐ, tránh tình trạng lừa đảo hoặc thực hiện không đúng cam kết.
Ngoài chủ trương xây dựng chính sách và đội ngũ chuyên gia LĐVL, tiến sĩ Trần Văn Miều nhấn mạnh: LĐVL còn là vấn đề liên ngành, hội cần tăng cường liên kết, lồng ghép hoạt động với tổ chức công đoàn mới đủ nguồn lực, trang thiết bị, kinh nghiệm, cán bộ. “Việc đánh giá nhận thức, lý tưởng của thanh niên hiện nay cần nhìn sâu và rộng, tránh so sánh hiện tượng nhỏ lẻ với số đông, khập khiễng giữa xưa và nay” - tiến sĩ Miều bổ sung. Xây dựng chính sách cần sát đối tượng cụ thể.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Điểm - Phó Viện trưởng Viện NC thanh niên - cho biết: Cần xây dựng giải pháp LĐVL đặc thù tới từng đối tượng thanh niên nông thôn, thanh niên tại KCN, thanh niên đô thị; đồng thời tăng cường năng lực của tổ chức hội cấp cơ sở trong việc bảo vệ quyền lợi cho thanh niên...
Nguồn laodong.com.vn