Lao động Việt Nam xuất cảnh làm việc tại nước ngoài được chủ sử dụng đánh giá cao và khá ưu ái về tính cần cù, chăm chỉ. Thế nhưng, điều này không có nghĩa là chủ sử dụng nước ngoài có thể dễ dàng bỏ qua cho những tật xấu cố hữu của người lao động (LĐ). Gần đây, một số chủ sử dụng đã phải dùng đến những biện pháp mạnh như chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn, thậm chí là khởi kiện ra tòa với những LĐ vi phạm pháp luật…
Đáng chú ý nhất gần đây là vụ việc 25 LĐ Việt Nam làm việc tại Arabia Saudi bị tạm giam từ tháng 10-2010 để phục vụ điều tra do trộm cắp nguyên vật liệu của công ty. Vụ việc chuẩn bị được đưa ra xét xử. Cục Quản lý LĐ ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, với tội danh trên và với số lượng hàng bị trộm trị giá khoảng 133.000 USD, nếu không có tiền đền bù, họ có thể phải đối mặt với mức án ít nhất là 5 năm LĐ.
Tình trạng LĐ Việt Nam vi phạm nội quy LĐ và quy định của các nước sở tại dường như đã trở thành chuyện bình thường. Điều đáng nói, những lỗi vi phạm đó không phải là quá lớn như đâm chém, giết người mà lại bắt nguồn từ lỗi nhỏ đánh bạc, trộm cắp vặt, đình công bất hợp pháp; bỏ trốn, làm việc bất hợp pháp… Ví dụ vụ 27 LĐ tham gia đánh bạc tại Hàn Quốc, khi cảnh sát đến 3 LĐ nhào ra mái chắn mưa ở cửa sổ để ẩn nấp, mái gãy khiến họ rơi từ tầng 5 xuống đất và 2 người đã chết. Số còn lại bị bắt giữ. Lỗi vi phạm này xảy ra ở hầu hết thị trường từ truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia… đến các thị trường mới như khu vực Trung Đông… Nhiều vi phạm có lẽ không mới bởi đó chính là những thói quen trong sinh hoạt hằng ngày của người LĐ. Thế nhưng, trong môi trường làm việc công nghiệp của nhiều nước, đây là điều cấm kỵ và không được phép. Vì vậy, trong bản hợp đồng LĐ giữa người LĐ và chủ sử dụng, tất cả những điều này đã được đề cập đi liền với những hình thức xử phạt rất nghiêm khắc, cao nhất là xử tù.
Giải quyết các trường hợp LĐ vi phạm pháp luật là chuyện mà hầu hết các công ty XKLĐ của Việt Nam không ít thì nhiều đang phải đối mặt. Với những vi phạm nhẹ, việc xử lý rất đơn giản; vi phạm nặng, LĐ có nguy cơ mất trắng và phải về nước là điều khó tránh khỏi. Việc giải quyết, thanh lý hợp đồng cho LĐ thời "hậu" XKLĐ cũng phức tạp không kém. Nhiều trường hợp về nước đến cả năm nhưng vẫn chưa thể thanh lý hợp đồng. Người LĐ và công ty môi giới không tìm được tiếng nói chung dẫn đến khiếu kiện kéo dài.
LĐ Việt Nam dù được chủ sử dụng đánh giá cao và khá ưu ái về tính cần cù, chăm chỉ nhưng không có nghĩa là họ có thể dễ dàng bỏ qua, nhất là khi người LĐ có hành vi vi phạm pháp luật. Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý LĐ ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: "Ở các thị trường như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia… thống kê cho thấy, đối tượng cư trú bất hợp pháp và vi phạm pháp luật chủ yếu tập trung ở số 80% LĐ có trình độ phổ thông". Với những LĐ bỏ trốn thì càng phải chịu nhiều thiệt thòi hơn. "Ngay từ khi đi xuất khẩu, người LĐ đã ký vào biên bản cam kết hoàn thành nghĩa vụ LĐ thì về nước, nhưng nhiều LĐ vẫn cố tình trốn ở lại. Nước sở tại xếp các LĐ này vào "danh sách đen", tức là mất hết các quyền lợi, kể cả chế độ bảo hiểm, nếu xảy ra bất cứ vấn đề gì".
Cùng với việc cảnh báo người LĐ, Đại sứ quán Việt Nam tại Arabia Saudi cho biết, nước này rất có thiện cảm và quan tâm tới việc tiếp nhận LĐ Việt Nam vào làm việc. Vì vậy, các công ty ta nên chú trọng hơn nữa tới bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho LĐ trước khi đi làm việc tại thị trường này, đặc biệt là giáo dục người LĐ phải tuân thủ luật pháp Việt Nam và nước sở tại để tránh tình trạng tương tự xảy ra.
Nguồn molisa.gov.vn