Lao động phổ thông biến động và thiếu thường xuyên, có xu hướng chững lại vào thời điểm cuối năm. Tuy nhiên, lao động thời vụ lại rất nhộn nhịp khi thời điểm Giáng sinh và Tết Dương lịch chuẩn bị tới gần.
Báo cáo của Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh ngày 8-12 cho biết, kinh tế TP. Hồ Chí Minh đang có dấu hiệu phục hồi. Ngoài hiện tượng nguồn lao động phổ thông biến động và thiếu thường xuyên thì nguồn lao động có trình độ từ trung cấp, cao đẳng, đại học trong một số ngành nghề cũng chênh lệch về số lượng và chưa đáp ứng chất lượng so với nguồn cầu. Thêm vào đó, nguồn nhân lực sinh viên – học sinh tốt nghiệp ra trường hàng năm, đa số vẫn gặp nhiều hạn chế về chuyên môn, kỹ năng nghề, kỹ năng mềm, kỹ năng quản lý, ngoại ngữ. Thống kê tới hết tháng 11-2011, TP. Hồ Chí Minh đã giải quyết việc làm cho gần 262.300 lao động, trong đó có trên 118.000 chỗ làm mới. Trong khi đó, kế hoạch của TP. Hồ Chí Minh đề ra trong cả năm là tạo việc làm cho 265.000 lao động, nhiều khả năng sẽ hoàn thành trong tháng còn lại.
Công bố "Chỉ số thị trường nhân lực trực tuyến tháng 11-2011” của VietnamWorks ngày 8-12 cũng cho thấy, số lượng việc làm đăng tuyển trực tuyến cho các ngành chứng khoán, kho vận, truyền thông, báo chí giảm mạnh nhất trong năm 2011. Chỉ số thị trường nhân lực trực tuyến tiếp tục giảm 4 điểm (tương đương 1.7%) cho thấy, mặc dù nhu cầu giảm mạnh, mức độ cạnh tranh giữa người tìm việc có chiều hướng bớt gay gắt hơn. Ngoài ra, các báo cáo cũng cho thấy, thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh năm 2011 chứng kiến sự chuyển dịch lao động khá lớn (trên 30%), trong đó phần lớn là lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật và có tay nghề, trên 50% người tìm việc làm có kinh nghiệm từ 1 năm trở lên và mức lương từ 5 - 8 triệu đồng/tháng, tạo ra sự cạnh tranh khá gay gắt giữa những người tìm việc làm có trình độ chuyên môn. Đặc biệt, vào thời điểm cuối năm nguồn cầu lao động thời vụ tăng mạnh, trong đó tập trung ở một số nhóm ngành nghề như bán hàng, marketing, dịch vụ, phục vụ, kế toán, nhà hàng – khách sạn...
Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh dự báo, nhu cầu nhân lực thành phố năm 2012 có 265.000 chỗ làm việc, trong đó 120.000 chỗ làm việc mới. Đặc biệt, dự báo một số ngành nghề nguồn cung nhân lực tiếp tục tăng, như kế toán, hành chánh văn phòng, tin học, quản trị kinh doanh,...
Nguồn baomoi.com