Theo phân tích và đánh giá của Trung tâm Dự báo nhu cầu và Thông tin thị trường lao động (TTLĐ) TP.HCM, trong năm 2012, TTLĐ TP tiếp tục tồn tại nghịch lý, nhiều người thất nghiệp hoặc mất việc làm trong khi nhiều doanh nghiệp không tuyển được LĐ.
Năm 2011, do khó khăn về sản xuất kinh doanh, hạn chế nguồn vốn, khoảng 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ phải ngưng hoặc tạm ngưng hoạt động, một bộ phận người LĐ thất nghiệp. Tình trạng người LĐ “nhảy việc” diễn ra phổ biến với mức trên 30%.
Số liệu từ Sở LĐ,TB&XH cho biết, ước năm 2011 TP đạt kế hoạch giải quyết việc làm 265.000 người theo chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, phân tích chi tiết cho thấy, TTLĐ có sự chênh lệnh cung – cầu khá cao. Chẳng hạn, ngành Tài chính - Kế toán luôn có số lượng người tìm việc vượt so với nhu cầu tuyển dụng ở mức trên 30%. Trong khi đó, ngành Cơ khí không thể tuyển đủ người mặc dù không yêu cầu quá cao về tay nghề và trình độ. Hằng năm ngành Cơ khí cần trên 10.000 LĐ nhưng năm 2011, các trường chỉ có thể tuyển sinh khoảng 60% so với tổng chỉ tiêu đào tạo. Các ngành Điện, Công nghệ thông tin, Hóa chất - chế biến lương thực – thực phẩm… nguồn nhân lực chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tuyển dụng.
Năm qua, trong khi nguồn LĐ phổ thông biến động và thiếu thường xuyên thì nguồn LĐ có trình độ cao lại thiếu về số lượng và chưa đáp ứng chất lượng. Nguồn nhân lực sinh viên tốt nghiệp đa số bị hạn chế về chuyên môn, kỹ năng nghề, kỹ năng mềm, kỹ năng quản lý, ngoại ngữ.
Với những yếu tố như hiện nay, dự báo TTLĐ năm 2012 vẫn tiếp tục tồn tại những nghịch lý về nguồn nhân lực, xu hướng ngành nghề… Theo tính toán của các chuyên gia LĐ, trong năm tới, chỉ có 50% học sinh – sinh viên ra trường có việc làm phù hợp và thu nhập khá cao, một nửa còn lại sẽ làm việc trái ngành nghề và thu nhập thấp, việc làm chưa thực sự ổn định và có thể chuyển việc khác.
Nếu như năm 2011, tỷ lệ LĐ thất nghiệp tại TP.HCM bình quân ở mức 5% (260.000 người/ năm) thì năm 2012 cũng không khả quan mấy, dự báo vẫn duy trì ở mức cao. Nguyên nhân thất nghiệp xuất phát từ tăng trưởng kinh tế gặp khó khăn, tuy nhiên có thể thấy hai lý do cơ bản gây ra thất nghiệp.
Thứ nhất do thiếu hụt chỗ làm việc và thứ hai do người LĐ không đáp ứng trình độ mà doanh nghiệp yêu cầu. Ngoài ra, tình trạng phân bố nhân lực không đồng đều giữa các khu vực, ngành nghề tạo mất cân đối nhu cầu nhân lực. Bên cạnh đó còn có những hạn chế của công tác quản lý nhà nước, đặc biệt chưa tổ chức hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực, thông tin TTLĐ, dịch vụ giao dịch TTLĐ (tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động) có hiệu quả cao.
Theo khảo sát và phân tích của các doanh nghiệp, năm 2012 TTLĐ TP vẫn còn nhiều khó khăn, biến động. Dự kiến nhu cầu nhân lực TP năm 2012 tương đương năm 2011 với khoảng 265.000 chỗ làm việc (trong đó các KCX-KCN cần 30.000 chỗ). Dự báo TTLĐ sẽ giảm sự sôi động về số lượng và tăng theo chiều hướng nâng cao chất lượng.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu và Thông tin TTLĐ TP.HCM cho rằng, TTLĐ những năm gần đây tại TP luôn diễn ra tình trạng vừa thừa vừa thiếu LĐ từ phổ thông đến chất lượng cao. Vì vậy vấn đề quản lý và phát triển nguồn nhân lực hiệu quả luôn cần sự liên kết chặt chẽ, đồng bộ của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, trường đào tạo và xã hội.
Theo đó, cần xác định và cân đối chỉ tiêu đào tạo tổng thể và chỉ tiêu đào đạo của từng trường gắn kết với nhu cầu thực tế của xã hội theo ngành nghề và trình độ đào tạo. Hạn chế việc đào tạo tự phát không đảm bảo chất lượng gây tình trạng thừa thiếu LĐ và gia tăng thất nghiệp. Cần nghiên cứu xây dựng chính sách ưu đãi về đào tạo và thu hút nguồn nhân lực đối với những ngành nghề chủ lực của TP và các ngành khoa học xã hội… Ngoài ra, phải nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Việc làm Tết vào mùa
Theo Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TP.HCM, từ nay đến Tết là giai đoạn cao điểm của các việc làm bán thời gian với nhu cầu rất cao.
Tính đến giữa tháng 12, Trung tâm đã tiếp nhận 3.220 đầu việc của 238 đơn vị, doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là các việc làm bán thời gian phù hợp với thời gian của HS-SV, tức là sau thi học kỳ I này cho đến Tết hoặc vừa qua Tết. Có 2.200 đầu việc đã được giới thiệu đến người lao động, chủ yếu là SV (80%), số còn lại là HS, người đã có việc làm, thanh niên tự do…
Những công việc đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều là nhân viên tại các siêu thị (đứng bán hàng, gói quà, làm phụ kho…), cộng tác viên phát hành thẻ, nhân viên bảo vệ, phục vụ, pha chế, bán hàng. Đặc biệt, trong thời điểm này rất cần nhân viên giao quà Noel. Riêng nhân viên bảo vệ, phục vụ làm việc tại các khu vui chơi và giúp việc nhà thì cần nhiều trong thời điểm Tết với yêu cầu là làm luôn cả những ngày Tết. T.Trang
Nguồn baomoi.com