
Thực trạng bất cập này được phản ánh rõ nét hơn qua kết quả phân tích về trình độ chuyên môn và tay nghề của NLĐ đã được DN tuyển. Cụ thể, tỷ lệ tuyển dụng LĐ có trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật mới chỉ đáp ứng được 18,6% nhu cầu của DN. Trong khi đó, tỷ lệ tuyển dụng LĐ có trình độ ĐH lại đạt tới 117,2% nhu cầu của DN. Ông Vũ Trung Chính, giám đốc trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết, qua theo dõi nhu cầu các ngành nghề thời gian gần đây tại sàn giao dịch việc làm cho thấy, nhu cầu của thị trường lao động về cử nhân luật và cử nhân kinh tế đã bão hòa và dư thừa. Thậm chí, có vị trí kế toán nhà tuyển dụng chỉ cần tuyển người có trình độ trung cấp nhưng có rất nhiều ứng viên có trình độ CĐ –ĐH sẵn sàng nộp đơn xin được làm với mức lương trung cấp để trước mắt có thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình. Việc này gây lãng phí và bất hợp lý trong sử dụng nguồn nhân lực.
Kết quả tương tự, thông số nhân lực trực tuyến từ Vietnamworks cho thấy 4 tháng cuối năm 2011, nhu cầu nhân lực ngành marketing luôn giảm. Đây cũng là điều khác lạ so với những năm trước. Nguyên nhân được xác định do kinh tế khó khăn, nhiều DN thu hẹp hoạt động của bộ phận marketing. Trái với ngành marketing đang giảm nhân lực thì bán hàng lại có nhu cầu tuyển dụng cao song lại là ngành có tỉ lệ tăng lương thấp. Đây cũng sẽ là ngành thu hút nhiều nhân lực trong năm tới.
Cũng theo ông Chính nhận định, năm 2012 xu hướng chuyển dịch cơ cấu ngành nghề ở Hà Nội sẽ rõ nét hơn khi nhu cầu LĐ cho ngành dịch vụ của các DN gia tăng, còn nhu cầu LĐ phổ thông của các DN gia công hay sản xuất có sử dụng nhiều LĐ sẽ giảm hơn vì năm tới nhiều DN sử dụng nhiều lao động phổ thông của Hà Nội sẽ tiếp tục di dời cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành.
Đồng quan điểm này, một lãnh đạo của sở Công thương Hà Nội, cho biết thêm, để đạt được mục tiêu tăng giá trị gia tăng của ngành thương mại những năm tới bình quân khoảng 13%/năm và tăng tỷ trọng thương mại bán lẻ hiện đại đạt 50- 60% trong thời gian tới, ngành này sẽ cần hàng vạn lao động đã qua đào tạo hệ thống bán lẻ hiện đại cho khoảng 138 siêu thị và trung tâm mua sắm được mở ra trên địa bàn đến năm 2015.
Bên cạnh đó, năm 2012, nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành công nghệ thông tin tăng khi hiện nhu cầu LĐ ngành này đang tăng hơn trước tới 21%. Đặc biệt trong giai đoạn 2012-2015, các DN ở Hà Nội và TP HCM cần hàng trăm nghìn LĐ CNTT có trình độ chuyên môn cao cho các chức danh lập trình viên, kỹ sư hệ thống mạng, kỹ sư phần cứng, nhân viên phát triển phần mềm, thiết kế lập trình web... làm việc tại các khu công nghệ cao.
Các ngành công nghệ cao, cơ khí chính xác, công nghệ ô tô cũng là ngành thu hút lao động trong thời gian tới. “Thế nhưng, số lượng sinh viên theo học ngành này có xu hướng giảm và còn hạn chế về kỹ năng, chưa phù hợp yêu cầu chuyên ngành, kể cả ngoại ngữ nên khó đáp ứng đủ nhân lực trong thời gian tới”, Phó hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp Hà Nội Hà Xuân Quang nhận định.
Theo dự báo, trong năm 2012, lao động phổ thông sẽ giảm 10%, trong khi lao động đã qua đào tạo từ trình độ sơ cấp, trung cấp, đến cao đẳng nâng lên 42%. Bà Nguyễn Hoa, quản lý cao cấp bộ phận nhân sự và khảo sát lương Mercer, nhận xét: “Điều này, càng cho thấy sự đầu tư vào nhân lực trong thời gian tới là hết sức cần thiết ở mỗi DN. Bởi thực chất muốn DN phát triển, yếu tố quyết định là chất lượng nguồn nhân lực”.
Như vậy, theo nhận định chung của các chuyên gia lao động, thị trường lao động năm 2012 sẽ giảm sự sôi động về số lượng và theo chiều hướng nâng cao chất lượng. Đầu năm, nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất vẫn là LĐ phổ thông để bù đắp cho những biến động về lao động dịp sau tết. Giữa năm, thị trường lao động sẽ tiếp tục có sự biến động về cung - cầu nhưng ổn định hơn. Cuối năm, các DN sẽ tập trung nhiều vào lao động có tay nghề, trình độ ở một số ngành nghề như cơ khí, công nghệ thông tin, marketing, dịch vụ, xây dựng.