Bộ trưởng Bộ LĐTBXH VN Phạm Thị Hải Chuyền và Đại sứ New Zealand tại VN Heather Riddell vừa thay mặt chính phủ hai bên ký thoả thuận về Chương trình làm việc trong kỳ nghỉ.
Theo đó, từ năm 2012, mỗi năm sẽ có tối đa 100 công dân Việt Nam tuổi từ 18-30 sang New Zealand và một số lượng tương tự công dân New Zealand sang Việt Nam. Theo bà Phạm Thị Hải Chuyền, thỏa thuận này sẽ tạo thuận lợi cho công dân hai nước trong việc tìm kiếm các cơ hội việc làm ngắn hạn tại hai nước, đặc biệt là giúp thanh niên Việt Nam có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với con người, kỹ thuật tiên tiến của bạn, tăng thêm tri thức, kinh nghiệm làm việc.
Kiểm tra tay nghề miễn phí cho LĐ đỗ tiếng Hàn
Theo Trung tâm Lao động ngoài nước, kỳ kiểm tra tay nghề miễn phí cho LĐ đã đạt yêu cầu trong kỳ kiểm tra tiếng Hàn đợt thi 17-18.12.2011 và có nguyện vọng đăng ký tham dự kiểm tra tay nghề dự kiến sẽ diễn ra từ 18- 24.2.2012. Theo đó, từ 6-12.1, LĐ có nguyện vọng đến đăng ký tại sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố và các trường dạy nghề của Bộ Quốc phòng.
Tiêu chuẩn: Với ba ngành (nông nghiệp, xây dựng và ngư nghiệp), LĐ đỗ tiếng Hàn sẽ được đăng ký; riêng với LĐ đăng ký ngành sản xuất chế tạo, phải đạt 200 điểm mới được dự thi. Thời gian, địa điểm kiểm tra cho từng LĐ sẽ được thông báo vào 31.1.2012 tại trang web của trung tâm: ttldnnvietnam.gov.vn.
B.D
Hơn 88.000 LĐ đi làm việc nước ngoài
Cục Quản lý lao động ngoài nước cho hay, công tác XKLĐ năm 2011 đã hoàn thành vượt kế hoạch, với 88.298 LĐ đi làm việc ở nước ngoài (đạt 101,5% kế hoạch), vượt chỉ tiêu 87.000 người do Quốc hội đề ra. Trong số này, có gần 32.000 là LĐ nữ. Theo lãnh đạo cục, việc hoàn thành chỉ tiêu này có ý nghĩa rất lớn với công tác XKLĐ trong bối cảnh thị trường lao động ngoài nước gặp không ít khó khăn.
Năm 2011, do những bất ổn chính trị ở Libya, hơn 10.000 LĐVN đã phải về nước trước thời hạn, trong khi mục tiêu của các DN XKLĐ trong năm đề ra là đưa khoảng 5.000- 6.000 LĐ sang làm việc tại thị trường này.
N.L
Thành đoàn Hà Nội: 230.000 đoàn viên được tư vấn, GTVL
Đây là kết quả do Thành đoàn Hà Nội triển khai trong năm 2011, đạt 148% kế hoạch. Trong đó, các cấp bộ đoàn tổ chức gần 300 ngày hội việc làm, thu hút hơn trên 2,5 ngàn DN, đơn vị; phát trên 316.269 bộ tài liệu định hướng nghề nghiệp; thu hút hơn 481.392 học sinh, sinh viên và thanh niên tham gia; tổ chức hơn 250 lớp tập huấn cho cán bộ đoàn chủ chốt, làm công tác vay vốn về thủ tục vay vốn; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố hướng dẫn cơ sở thành lập tổ tiết kiệm và vay vốn thanh niên...
H.M
“Đổi mới và phát triển dạy nghề ở VN giai đoạn 2011 - 2020”
Đó là chủ đề hội nghị do Bộ LĐTBXH chủ trì vừa diễn ra tại Bến Tre, với sự tham dự của đại diện nhiều trường nghề thuộc các địa phương phía nam.
Theo đánh giá tại hội nghị, việc dạy nghề ở VN tuy có phát triển nhưng chưa thích ứng với sự phát triển KTXH, do nhiều nguyên nhân: Hệ thống quản lý giáo dục dạy nghề còn yếu kém, bất cập; phần lớn thiết bị dạy nghề chưa theo kịp thực tế tại các DN, cơ sở sản xuất; số giáo viên vừa dạy được lý thuyết vừa dạy được thực hành còn ít; trình độ ngoại ngữ, tin học của giáo viên còn thấp nên hạn chế khả năng cập nhật công nghệ mới...
Các ý kiến tại hội nghị cho rằng, trước mắt cần chuẩn hóa trường nghề (quy định rõ danh mục thiết bị dạy nghề theo từng trình độ; thống nhất danh mục thiết bị dạy nghề cho các nghề trọng điểm quốc gia, khu vực, quốc tế; xây dựng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn về chuyên môn...); đẩy mạnh xã hội hóa để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển dạy nghề; tăng cường thu hút các nguồn vốn từ nước ngoài cho phát triển dạy nghề...
L.N.G
Nguồn laodong.com