Ngày nay, XKLĐ đã mang tính toàn cầu. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năm 1995 có khoảng 35-42 triệu người di dân tới gần 200 nước trên thế giới mà mục đích chủ yếu là tìm kiếm việc làm và một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Trong đó có từ 11-13 triệu người di cư tới châu Âu, 8 triệu người tới Bắc Mỹ, 5-7 triệu người tới châu Phi, 6 triệu người tới các nước Ả rập, 3-5 triệu người tới Trung và Nam Mỹ và 2-3 triệu người tới Nam Á và Đông Á. Số di dân lao động trên còn kéo theo từ 44-55 triệu thành viên của gia đình họ cùng đi.
Từ nhiều năm nay châu Á đã hình thành các nước có nhu cầu XKLĐ và nhập khẩu lao động. Hầu hết các nước đã có quá trình XKLĐ từ những năm 70, mà thị trường lao động có sức hút lớn là các nước tại Trung Đông, Ả rập Xê út, Cô oét, Irắc, Libi. Những nước này tiếp nhận phần lớn lao động châu Á. Gần đây, các nước XKLĐ đang hướng về thị trường lao động Đông Bắc Á, Đông Nam Á nơi có sự tăng trưởng kinh tế cao, với sự khan hiếm nhân công trầm trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore.
Do sự phát triển kinh tế XKLĐ đã và đang trở thành một chính sách quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của nhiều nước châu Á. Sự ra đi làm việc có thời hạn của lao động tại nước ngoài không chỉ giải quyết sức ép việc làm tại nước đó mà nguồn ngoại tệ do lao động gửi về đã góp phần quan trọng lập lại sự cân bằng trong cán cân thương mại, mang lại sự thịnh vượng không chỉ cho những vùng quê nghèo có người lao động di cư mà cả vì sự thịnh vượng chung cho đất nước. Hàng năm tại châu Á có trên 2 triệu lượt người rời khỏi nước mình đi lao động tại nhiều châu lục khác nhau. Nhiều nước đã xây dựng thành chương trình quốc gia về XKLĐ và chương trình này đã mang lại những kết quả đáng kể, góp phần vào sự thịnh vượng chung cho đất nước. Một số nước châu Á trong những năm trước có quá trình XKLĐ mạnh, nay với sự tăng trưởng kinh tế cao, lại có xu hướng giảm quy mô XKLĐ, thậm chí lại trở thành nước nhập khẩu lao động như Hàn Quốc, Thái Lan cũng đang có những dấu hiệu của sự khan hiếm nhân lực. Đây là một quy luật tất yếu.
Phần lớn lao động di cư là những người ra đi từ những vùng quê nghèo đói, sẵn sàng chấp nhận những điều kiện lao động khó khăn để có việc làm tại nước ngoài với thu nhập cao hơn trong nước. Tại khu vực Trung Đông đã thu hút nhiều nhân công xây dựng châu Á và lĩnh vực này tại nhiều nước nhập khẩu lao động vẫn có xu hướng gia tăng. Sự chênh lệch về thu nhập giữa các nước trong cùng một lĩnh vực cộng với sự thiếu hụt về nhân công ở một số nước luôn là động lực thu hút lao động của nhiều nước châu Á hướng tới và chính đó cũng là nguyên nhân gây ra sự cạnh tranh về giá nhân công cho từng nước xuất khẩu trên cùng một địa bàn. Ấn Độ là nước đã tiến hành XKLĐ được gần 20 năm nay, mỗi năm trung bình khoảng 10 vạn người. Hiện tại, phần lớn lao động Ấn Độ di dân tới làm việc tại các nước Trung Đông, con số lên tới hàng triệu người và số tiền thu được từ hoạt động này tương đương 1/6 tổng giá trị hàng nhập khẩu của đất nước.
Tương tự như Ấn Độ, thị trường lao động chính của lao động Pakistan là khu vực Trung Đông, quy mô trung bình hàng năm chiếm 1,2% dân số, đem về cho đất nước khoảng 2,3 tỷ USD, có thể thanh toán được 25% tổng giá trị hàng nhập khẩu. Với Pakistan, thị trường đang chuyển từ Trung Đông sang Đông Bắc Á. Năm 1993, số lao động sang các khu vực này chiếm khoảng 2% dân số và số ngoại tệ đem về nước có thể thanh toán được 1/2 số tiền thâm hụt trong cán cân thương mại quốc tế của Pakistan. Riêng Srilanca mới tham gia vào thị trường XKLĐ, lĩnh vực chủ yếu là lao động nữ sang Trung Đông làm người phục vụ gia đình.
Tại Đông Nam Á, ngay từ những năm 70, Philipin đã có một sự gia tăng mạnh mẽ lao động di cư và tới 1982, nước này và Ấn Độ được xếp vào các nước đứng đầu thế giới về XKLĐ. Với tỷ lệ chiếm 8% dân số như hiện nay, Philipin được coi là quốc gia có quy mô XKLĐ lớn nhất châu Á. Hiện tại có 4 triệu người Philipin đang làm việc ở nước ngoài và năm 1995 lượng kiều hối gửi qua các kênh chính thức về nước đạt 4 tỷ USD. Là một lĩnh vực kinh tế đối ngoại rất được quan tâm , tháng 6/1995, Quốc hội nước này đã thông qua "Đạo luật về lao động di cư và về người Philipin ở nước ngoài", trong đó đề cập tới vấn đề phải tăng cường tuyển chọn người đi làm việc ở nước ngoài, phạt tù và phạt tiền đối với hành vi tuyển mộ bất hợp pháp, thành lập quỹ cho vay, hỗ trợ pháp lý, hồi hương khẩn cấp cho người lao động ở nước ngoài.
Bắt đầu tham gia lĩnh vực này từ năm 1973, Thái Lan đã chuyển từ thị trường Anh quốc với số lượng ít và ngành nghề chủ yếu là dịch vụ sang lĩnh vực xây dựng ở Trung Đông và đang có xu hướng chuyển mạnh sang các nước Đông Á và Đông Nam Á như Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Brunei. Mặc dù vẫn coi đây là một chương trình quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước song 4 năm trở lại đây, Chính phủ Thái Lan không khuyến khích XKLĐ mà đã bắt đầu quan tâm tới việc đáp ứng nhu cầu lao động trong nước. Hiện lao động Thái Lan có mặt tại trên 40 nước với 45 vạn người, riêng năm 1994 đã gửi về nước khoảng 1 tỷ USD.
Lao động Indonesia có mặt tại thị trường Trung Đông khá sớm và họ thường làm các công việc phục vụ gia đình, có nơi chiếm tới 85% như ở Ả rập Xê út. Những năm gần đây lao động Indonesia đang chiếm lĩnh dần các thị trường mới như Hàn Quốc và Malaysia, trong số họ có tới 30% làm việc trong các công trình xây dựng.
Riêng Trung Quốc, từ cuối năm 1996 đã có hơn 1,27 triệu lao động làm việc tại 180 nước và khu vực trên thế giới, phần lớn trong lĩnh vực xây dựng và sẵn sàng chấp nhận một giá nhân công thấp, gây nên một sự cạnh tranh mạnh mẽ tại các thị trường nhập khẩu lao động. Hiện nay, lao động Trung Quốc đang tăng cường chiếm lĩnh khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Với 650 doanh nghiệp được cấp phép quản lý hợp đồng xây dựng và dịch vụ trong đó có 400 công ty điều hành XKLĐ, Trung Quốc hy vọng sẽ đẩy mạnh XKLĐ với nhịp độ cao và sẽ góp phần quan trọng vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay.
Là một nước nghèo lại mới ra khỏi chiến tranh, Việt Nam tham gia thị trường lao động có thuận lợi hơn song con đường đi cũng không khác mấy so với các nước khác trong khu vực.
Từ sau ngày thống nhất đất nước, Nhà nước ta đã sử dụng XKLĐ để giải quyết vấn đề lao động và việc làm một cách tích cực trên cơ sở đường lối chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Theo tính toán, nếu như đầu tư để có một chỗ làm việc mới với người có tay nghề cao trong ngành công nghiệp nặng trong nước phải tốn khoảng 100 triệu đồng, với người có tay nghề trung bình phải đầu tư khoảng 30-50 triệu đồng, trong khi đó đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài không phải đầu tư lớn cho khâu tạo chỗ làm việc mới và các dịch vụ khác tại chỗ mà còn có thể đưa về cho đất nước nhiều ngoại tệ. Việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài lần đầu tiên được đặt ra vào những năm 80. Số lao động và chuyên gia đi theo các Hiệp định Chính phủ trong giai đoạn đầu này đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước khoảng 800 tỷ đồng và hơn 300 triệu USD đưa vào ngân sách thanh toán chung, trả nợ các nước và chuyển về nước nộp ngân sách. Ngoài ra, người lao động còn mang về nước một lượng hàng hoá trị giá hàng ngàn tỷ đồng và một lượng ngoại tệ ước hàng trăm triệu đôla Mỹ. Đến nay, lao động của ta đã có mặt ở trên 40 nước, số lượng lao động đưa đi tăng dần hàng năm và có xu hướng gia tăng. Đáng chú ý là việc XKLĐ theo cơ chế mới, đã mở thêm nhiều thị trường mới, có nhu cầu nhập khẩu tương đối cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Libi và một số nước khác và chuyển dần từ hình thức cung ứng lao động sang hình thức nhận thầu.
Nguồn:molisa.gov.vn