Năm 2012, Bộ LĐTB&XH đề ra mục tiêu đưa 90.000 người đi làm việc ở nước ngoài, tăng 5.000 người so với năm 2011, và nhấn mạnh đến việc mở rộng các thị trường mới. Tuy nhiên, chính các doanh nghiệp lại lo lắng về nguồn tuyển chất lượng cao.
Mở hướng thị trường chất lượng cao
Theo lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH), trong năm 2012, một số thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia… tiếp tục có nhu cầu cao trong việc tiếp nhận lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam. Các thị trường yêu cầu chất lượng lao động không cao, thu nhập khá ổn định như Malaysia, Đài Loan… sẽ được xúc tiến đẩy mạnh. Hiện có khoảng 140 doanh nghiệp Việt Nam được phép đưa lao động sang làm việc tại Malaysia và đã có khoảng 200.000 lượt lao động sang Malaysia làm việc. Các lao động tập trung vào các lĩnh vực sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, dịch vụ và giúp việc gia đình. Đặc biệt, Malaysia đang có nhu cầu nhận khoảng 10.000 lao động nước ngoài với mức lương khoảng 300 - 600 USD/tháng.
Năm 2012, thị trường Hàn Quốc cũng dành cho Việt Nam nhiều ưu đãi với chỉ tiêu lao động Việt Nam sang Hàn Quốc là 15.000 người. Trong đó, ngành sản xuất chế tạo là 11.700 người, xây dựng là 1.000 người, nông nghiệp là 1.000 người, ngư nghiệp là 1.300 người. Thị trường Libya sau một thời gian tạm ngưng, dự kiến đến tháng 6/2012, tiếp tục "mở cửa" với lao động người Việt.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thanh Hòa, Bộ đã yêu cầu các đơn vị theo dõi sát diễn biến thị trường ngoài nước, kịp thời đón nhận các hợp đồng tiếp nhận lao động, nhất là các thị trường có thu nhập cao, an toàn, phù hợp với trình độ của lao động Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục các hoạt động để mở các thị trường mới như Australia, Canada, Bahrain, Cộng hòa Séc…
Nâng chất lượng lao động
Hiện thị trường lao động quốc tế đã có nhiều thay đổi, nhu cầu lao động phổ thông giảm, thay vào đó là lao động có tay nghề cao. Về vấn đề này, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cho rằng, thị trường XKLĐ không thiếu. Nhiều doanh nghiệp tập trung củng cố thị trường truyền thống, nhưng cũng luôn hướng đến thị trường châu Âu, trong đó có thị trường Đức. Đồng thời, với việc xây dựng chiến lược phát triển lâu bền, chú trọng đến việc đào tạo và nâng cao tay nghề cho người lao động, nhằm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ cho biết, mặc dù năm nay vẫn khó khăn nhưng nhu cầu nhận lao động nước ngoài vẫn có, vấn đề là chúng ta có cạnh tranh được không. Muốn cạnh tranh được, phải nâng cao chất lượng lao động. Những định hướng mà Hiệp hội vạch ra và thực hiện trong những năm trước đến nay vẫn đúng và Hiệp hội khuyến cáo các doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện. Chúng ta cần rà soát lại các thị trường, các hợp đồng để tiếp tục phát triển thị trường. Còn những thị trường lâu nay có mức thu nhập trung bình như Malaysia chẳng hạn, thì các doanh nghiệp cố gắng tìm các hợp đồng tốt, có thu nhập khá hơn, đồng thời cách tiếp cận và tuyển chọn lao động cũng phải đổi mới và làm thực chất.
Lãnh đạo Bộ LĐTB&XH cũng khẳng định, năm 2012, bên cạnh việc mở rộng thị trường, Bộ sẽ chú trọng nâng cao năng lực các doanh nghiệp, cơ sở sự nghiệp có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch, đổi mới công tác tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, đầu tư xây dựng một số cơ sở chuyên đào tạo lao động.
Nguồn:ktdt.com.vn