Biến động LĐ sau tết khiến nhiều DN rơi vào thiếu hụt LĐ, ảnh hưởng đến kế hoạch SXKD diễn ra nhiều năm nay. Cảnh các DN phải đôn đáo đi tìm LĐ sau tết đã trở thành thông lệ chung.
Tuy nhiên, qua khảo sát và nhìn nhận của các chuyên gia về LĐVL, qua 2 tháng đầu năm, sự biến động về LĐ không nhiều.
Nơi nhiều nhất khoảng 20%
TP.Hồ Chí Minh là thị trường LĐ sôi động nhất và cũng là nơi gặp nhiều biến động về LĐ do LĐ bỏ việc, chuyển việc đầu năm. Ông Trần Anh Tuấn- Phó GĐ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường LĐ TP.Hồ Chí Minh cho biết: Sau tết, hầu hết LĐ đều trở lại, không có nhiều biến động; chỉ còn một số DN thuộc lĩnh vực giày da, dệt may, gia công và một số ít DN vừa và nhỏ bị thiếu LĐ.
 |
Theo các chuyên gia, LĐ nên cân nhắc kỹ khi chuyển việc. |
Qua khảo sát, lượng di chuyển LĐ trong 2 tháng đầu năm khoảng 20%. Hiện nay, nhiều DN đang tuyển dụng LĐ, nhiều LĐ cũng đang dịch chuyển, nhưng cơ bản vẫn khá ổn định.
Cũng với nhận định khả quan, TS Đặng Quang Điều- Viện trưởng Viện Công nhân - công đoàn (Tổng LĐLĐVN) cho biết: "Những năm trước, có năm DN thiếu đến 50-60% LĐ sau tết, nhưng năm nay tình trạng thiếu LĐ không trầm trọng.
Qua theo dõi và nghiên cứu của chúng tôi, năm nay số LĐ thiếu sau tết trung bình khoảng 10%, DN nào thiếu nhiều, khoảng 20%, cũng có DN không thiếu. Sự thiếu hụt này chủ yếu rơi vào những ngày đầu, tuần đầu sau tết, sang tuần thứ hai và thứ ba đã cơ bản đủ".
Về nguyên nhân, theo TS Đặng Quang Điều: Điều đầu tiên, khá quan trọng là chế độ tiền lương, thưởng đã thay đổi. Năm 2011, đã có 2 lần Chính phủ thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu, mức cải thiện đời sống cho LĐ tổng cộng lên tới 25-30%. Nhiều LĐ cho biết khi về quê cũng đã tranh thủ kiếm việc làm có thu nhập cao hơn nhưng họ không tìm được nhiều cơ hội. Nguyên nhân thứ ba là một số DN đã thực hiện được khá tốt chính sách giữ chân LĐ nên LĐ đã trở lại, gắn bó với DN.
Giải pháp “giữ người”
Để thu hút LĐ, nhiều DN đã đưa ra mức lương "khủng", chế độ đãi ngộ hấp dẫn; tuy nhiên theo các chuyên gia về LĐVL, LĐ nên cân nhắc kỹ khi quyết định chuyển chỗ làm, bởi sẽ phải đối mặt với nhiều biến động kèm theo như: Mất thời gian đi liên hệ, làm thủ tục giữa nơi cũ và mới, chuyển chỗ ở...
Theo bà Nguyễn Thị Yến - Phó phòng Lao động tiền lương (Sở LĐTBXH tỉnh Hà Nam): Việc người LĐ chạy lòng vòng từ DN này sang DN khác là để tìm mức lương cao hơn. Nắm được tâm lý này, bằng một số chính sách, phụ cấp, DN đã "đôn" tổng thu nhập lên cao hơn mức các DN khác đang chi trả để hút LĐ, nhưng thực tế họ vẫn chỉ trả LĐ mức lương tối thiểu vùng.
Ông Trần Anh Tuấn cũng khuyên LĐ: Nên tìm hiểu kỹ thông tin về thị trường LĐ, đặc biệt là về DN, như tiền lương, thưởng, các chế độ... thực tế DN đang chi trả để đưa ra quyết định đúng cho mình.
"Với LĐ, tăng lương và các chế độ đãi ngộ vật chất tốt là quan trọng, nhưng không phải tất cả. Hiện, đời sống LĐ còn khó khăn thì yếu tố trên là quan trọng, nhưng khi cuộc sống khá hơn họ sẽ quan tâm đến điều kiện làm việc, cơ hội học tập, thăng tiến... Vì vậy, DN cần xây dựng giải pháp đồng bộ, chiến lược hài hoà để thu hút và giữ chân LĐ"- TS Đặng Quang Điều khuyến cáo.
Bảo Duy
Nguồn laodong.com.vn