Nhằm giảm tỉ lệ LĐ bỏ trốn tại Hàn Quốc, Trung tâm Lao động ngoài nước, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phối hợp với Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ LĐ về nước đúng thời hạn.
Tuy nhiên, theo người LĐ và đại diện chính quyền các địa phương, nếu muốn giảm tỉ lệ LĐ bỏ trốn xuống còn 27% vào cuối năm nay theo cam kết với phía Hàn Quốc thì cơ quan quản lý cần triển khai nhiều biện pháp mạnh hơn nữa.
Nên thông qua "bằng chứng sống"
Thời gian qua, nhiều chính sách cho LĐ về nước đúng hạn đã được thực hiện như: Được tham dự kiểm tra tiếng Hàn trên máy tính (định kỳ 3 tháng/lần), nếu đạt yêu cầu LĐ sẽ làm hồ sơ đăng ký dự tuyển và có thể quay trở lại Hàn Quốc làm việc trong 6 tháng kể từ ngày về nước.
 |
Lao động về nước đúng hạn dự thi tiếng Hàn trên máy tính. |
Vừa được triển khai thí điểm từ cuối năm 2011, đến nay, đã có 180/282 LĐ đạt yêu cầu, đã làm hồ sơ đăng ký dự tuyển, trong đó nhiều LĐ đã được chủ Hàn Quốc lựa chọn và đang chờ làm thủ tục xuất cảnh. Trong tháng 3 này, sẽ tổ chức tiếp đợt thi tiếng Hàn nữa cho những LĐ về nước đúng hạn và từ năm 2012 sẽ tổ chức định kỳ 3 tháng/lần.
Ngoài ra, LĐ về đúng hạn cũng sẽ được nhận lại khoản tiền bảo hiểm hồi hương (400.000won) và khoản trợ cấp thôi việc (mỗi năm làm việc được hưởng số tiền tương đương 1 tháng tiền lương); được đào tạo nghề miễn phí trước hoặc sau khi về nước; hỗ trợ giới thiệu việc làm tại các DN Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam...
Với kinh nghiệm hơn 4 năm làm việc tại Hàn Quốc, LĐ Trần Văn Thạo (Cổ Thành, Chí Linh, Hải Dương) cho rằng: Dù các chính sách phía Việt Nam và Hàn Quốc đưa ra có tốt đến mấy nhưng nếu không có "bằng chứng sống" thì khó "nói mạnh" được. Thạo vừa về nước trước thời hạn 1 tháng, đã đỗ kỳ thi tiếng Hàn trên máy tính, đang chờ chủ chọn để quay trở lại Hàn Quốc làm việc.
Theo Thạo, có nhiều lý do khiến LĐVN bỏ trốn ở lại, nhưng lý do lớn nhất là sợ không quay trở lại được nữa. Vì vậy, những người đã làm tròn nghĩa vụ với nhà nước như bọn em cần được ưu tiên hoàn tất hồ sơ để sớm được quay trở lại Hàn Quốc làm việc. Bọn em chính là thông tin sống, về để được sang lại đường đường chính chính. Với những người ở lại lâu, Việt Nam cũng cần đề nghị phía Hàn Quốc cũng cần vào cuộc, xử lý nghiêm đủ sức răn đe để tạo cơ hội cho nhiều LĐ khác.
Cần "mạnh tay" hơn
Chia sẻ các giải pháp để hạn chế tỉ lệ LĐ bỏ trốn, ông Nguyễn Văn Điều - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Thái Bình kiến nghị: Cục Quản lý lao động ngoài nước nên tham mưu cho Bộ LĐTBXH có những biện pháp “mạnh tay” hơn nữa, với những địa phương có nhiều LĐ bỏ trốn như có thể dừng việc tuyển dụng LĐ ở những địa phương đó. Về phía tỉnh, ông Điều cho biết, sở sẽ báo cáo với
UBND tỉnh để có biện pháp chấn chỉnh, trong đó sẽ tập trung tuyên truyền những quyền lợi, cơ hội của người LĐ khi về nước đúng hạn và trách nhiệm của gia đình cũng như địa phương trong việc quản lý LĐ.
Ông Vũ Huy Hân - Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định cũng cho rằng, trước mắt Cục Quản lý lao động ngoài nước cần công khai danh sách những LĐ bỏ trốn hoặc sắp hết hạn hợp đồng về từng huyện, từ đó lãnh đạo huyện sẽ mời gia đình LĐ lên để yêu cầu khuyên con em mình về nước. Theo ông Hân, phải cùng nhau kết hợp để làm kiên quyết nếu không sẽ mất thị trường.
Đồng ý với kiến nghị trên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước - ông Đào Công Hải - nhấn mạnh: Chính quyền các địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ, cần tuyên truyển để những gia đình có con em bỏ trốn thấy nếu về nước đúng hạn, sẽ được tiếp tục được quay trở lại Hàn Quốc làm việc; còn nếu bỏ trốn không những bị trục xuất mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng ngàn LĐ khác và để tuột mất thị trường XKLĐ hấp dẫn.
Bảo Duy
Nguồn laodong.com.vn