
Một đánh giá mới đây của Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH ĐT) cho thấy: Mỗi năm, VN có thêm khoảng 1,1 triệu lao động, dôi dư thêm 600 ngàn lao động từ khu vực nông nghiệp; tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên gần 6,7% và mỗi năm có thêm nhiều thanh niên bước vào độ tuổi lao động.
Chất lượng lao động thấp làm gia tăng lao động phi chính thức. Lao động di cư, làm việc thời vụ từ nông thôn ra các đô thị lớn tạo nên nhiều sức ép về việc làm, chế độ đãi ngộ, mức lương. Lực lượng LĐ này phần lớn là LĐ thời vụ, trong khu vực phi chính thức. Dù đông đảo nhưng lực lượng lao động này luôn chịu nhiều thiệt thòi vì ít khi có sự hỗ trợ pháp lý, phúc lợi cần thiết, đối mặt rất nhiều rủi ro. Trong khi đó, công tác cập nhật thông tin về cung cầu trên thị trường lao động còn thiếu, công tác định hướng đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường cần được nâng cấp để theo sát thực tế.
Để giải quyết những thách thức này, Bộ LĐTBXH đang xây dựng Chiến lược việc làm VN giai đoạn 2011-2020. Theo đó: Tăng tỉ lệ lao động qua đào tạo 70% (năm 2020), trong đó lao động qua đào tạo nghề trên 55%; giảm dưới 5 % tỉ lệ thanh niên dưới 24 tuổi không tham gia việc làm, giáo dục, đào tạo.
Về việc làm mới, Chiến lược việc làm VN đặt mục tiêu tạo việc làm mới cho khoảng 1,6 triệu lao động/năm; tỉ lệ tăng trưởng việc làm 2%/năm, giảm lao động phi chính thức thuộc khu vực phi nông nghiệp ở mức 50%, năng suất lao động hằng năm tăng 4%. Tốc độ tăng tiền lương thực tế bình quân 5%/năm...
Để thực hiện các mục tiêu trên, chiến lược hình thành nhiều giải pháp đột phá như: Nâng cao chất lượng lao động bằng các việc làm thông qua việc xây dựng chính sách, chương trình giáo dục cho tất cả người lao động để tạo ra mối liên hệ chặt chẽ hơn giữa giáo dục, đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động. Ngoài ra, công tác thông tin thị trường tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp, lao động và các cơ quan quản lý...
Mai Dung
Nguồn laodong.com.vn