Bảo hiểm thất nghiệp là chính sách mới nhằm hỗ trợ người thất nghiệp để thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất thu nhập do thất nghiệp và quan trọng hơn là hỗ trợ người thất nghiệp được học nghề, được hỗ trợ tìm việc làm để người lao động sớm có việc làm, thu nhập và ổn định cuộc sống. Luật bảo hiểm thất nghiệp ra đời và có hiệu lực từ ngày 1/1/2009, sau gần ba năm triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động đã đạt được những kết quả nhất định.
Số lượng người tham gia bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tăng: Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2009 có 5,9 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tổng số thu là 3.510 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ khoảng 1.170 tỷ đồng. Đến hết tháng 12 năm 2010 số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên 7,05 triệu người tăng so với năm 2009 là 1,154.962 người (tăng 19,58% so với năm 2009), tổng số thu khoảng 4.800 tỷ đồng đưa tổng quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong hai năm qua lên trên 8.300 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 7 năm 2011, cả nước có 7.569.078 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Trong số những người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng năm 2010 thì dưới 24 tuổi có 37.284 người, chiếm 23,8%; từ 25-40 tuổi có 97.405 người, chiếm 62,1%; trên 40 tuổi có 22.076 người, chiếm 15%; nam giới có 62.423 người, chiếm 40%; Nữ giới có 94.342 người, chiếm 60%. 10 tháng đầu năm 2011 cơ cấu nhóm tuổi hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng gần tương tự như năm 2010, cụ thể là dưới 24 tuổi có 55.162 người, chiếm 24,8%; từ 25-40 tuổi có 139.025 người, chiếm 62,6%; trên 40 tuổi có 27.887 người, chiếm 12,6%; Nam giới có 87.836 người, chiếm 39,5%; Nữ giới có 134.238 người, chiếm 60,5%.
Một số địa phương có số lượng người đăng ký thất nghiệp và đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp lớn là thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai và thành phố Hà Nội.
Quá trình tổ chức, triển khai thực hiện đó khẳng định đây là chính sách đúng đắn có tác động trực tiếp, thiết thực tới người lao động, người sử dụng lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, được người sử dụng lao động, người lao động đón nhận một cách tích cực, được dư luận xã hội đánh giá là một trong những chính sách sớm đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đó cũng phát sinh những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung, như sau:
Về đối tượng, phạm vi tham gia bảo hiểm thất nghiệp: Đối với những đối tượng doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động, người lao động giao kết hợp đồng lao động hay hợp đồng làm việc dưới 12 tháng chưa được tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đây là những đối tượng có khả năng mất việc làm cao, cần quan tâm hỗ trợ thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Về các chế độ bảo hiểm thất nghiệp: Mức hỗ trợ học nghề thấp và thời gian ngắn, khó khăn cho người lao động.
Về trình tự, thủ tục tham gia bảo hiểm thất nghiệp: Quy định trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày người lao động mất việc làm, chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc phải đăng ký thất nghiệp, trong vòng 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp phải nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tương đối ngắn, trong điều kiện việc chốt sổ bảo hiểm xã hội gặp khó khăn, xác nhận của người sử dụng lao động không kịp thời; hơn nữa, nhiều trường hợp người lao động chưa muốn đăng ký thất nghiệp ngay do muốn tìm việc làm, không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc vì những lý do cá nhân khác.....
Về nhận trợ cấp thất nghiệp của người thất nghiệp: Sau khi Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội ký quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, Trung tâm Giới thiệu việc làm gửi Quyết định cho cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh thực hiện việc chi trả, cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh thực hiện việc lập danh sách người được hưởng trợ cấp thất nghiệp phân theo địa bàn cấp huyện và gửi cho cơ quan Bảo hiểm cấp huyện chi trả, cơ quan Bảo hiểm thất nghiệp cấp huyện thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động tại trụ sở hoặc cử cán bộ của Bảo hiểm xã hội cấp huyện xuống tận xã chi trả hoặc đại lý chi trả tại mỗi xã vào một ngày nhất định trong tháng (áp dụng như chi trả chế độ hưu trí, mất sức lao động và các chế độ này tính theo tháng,không phù hợp với việc chi trả trợ cấp thất nghiệp là tính theo ngày, ngày hưởng trợ cấp thất nghiệp từ ngày thứ 16 kể từ ngày người lao động đăng ký thất nghiệp). Do vậy, người lao động thường nhận được trợ cấp thất nghiệp chậm hơn rất nhiều so với thời gian nhận được Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, không đảm bảo được mục đích của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là hỗ trợ cho người lao động một khoản kinh phí để ổn định cuộc sống trong thời gian tìm việc làm mới. Mặt khác, khi phát hiện các vấn đề vi phạm sẽ khó xử lý theo quy định của pháp luật, nhất là đối với các trường hợp tạm dừng, chấm dứt hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Trách nhiệm của người sử dụng lao động: Chưa quy định cụ thể trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thông báo với cơ quan lao động khi có biến động lao động, đây là vấn đề rất quan trọng trong việc quản lý và thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Về Bộ máy thực hiện bảo hiểm thất nghiệp: chưa được tổ chức theo hệ thống ngành dọc, hạn chế trong việc triển khai thực hiện, cán bộ và kinh phí hoạt động.
Để thực hiện tốt hơn nữa chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau :
1. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp: Tiếp tục tổ chức rà soát, phát hiện, sửa đổi và bổ sung kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp; khẩn trương nghiên cứu xây dụng Luật Việc làm, trong đó có nội dung về bảo hiểm việc làm nhằm bổ sung các quy định nhằm hạn chế, ngăn ngừa thất nghiệp, đồng thời hoàn thiện các chế độ bảo hiểm thất nghiệp hiện hành và quản lý lao động...; Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp cho phù hợp với thực tế triển khai thực hiện chính sách, như: vấn đề đối tượng áp dụng, hỗ trợ học nghề, trình tự thực hiện (đăng ký có thể trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp), trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người lao động, chi phí cho hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và cán bộ của trung tâm giới thiệu việc làm đối với người thất nghiệp.
2. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền: về các chế độ, chính sách về bảo hiểm thất nghiệp với nhiều hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng nhằm nâng cao nhận thức về bảo hiểm thất nghiệp, nhất là người lao động ở vùng sâu vùng xa, ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Tiếp tục tổ chức các hội nghị tập huấn cho cán bộ thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, cán bộ nhân sự tại các doanh nghiệp, tổ chức.
3. Xây dựng và thực hiện các biện pháp để quản lý lao động: Làm cơ sở cho việc xác định và nắm chắc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, thực hiện các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
4. Phát hiện, ngăn chặng và xử lý vi phạm: Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, hành vi lạm dụng chính sách bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
5. Tăng cường các điều kiện để thực hiện bảo hiểm thất nghiệp:
Tăng cường cơ sở vật chất, cán bộ và kinh phí cho các trung tâm giới thiệu việc làm để tiếp nhận, giải quyết và quản lý người thất nghiệp.
Hoàn thiện phần mềm quản lý bảo hiểm thất nghiệp để thực hiện trên phạm vi cả nước, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan có liên quan.
6. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan có liên quan: trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người lao động khi tham gia và thụ hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, trước hết là ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tài chính, Nội vụ, Công đoàn.
Nguồn molisa.gov.vn