Hàn Quốc không hạn chế doanh nghiệp Việt Nam tham gia tuyển chọn lao động kỹ thuật cao theo chương trình riêng dành cho đối tượng này
Bên cạnh việc tiếp nhận lao động nước ngoài đi theo chương trình cấp phép lao động EPS, từ năm 2012, Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc mở rộng việc tiếp nhận lao động kỹ thuật cao theo “Chương trình thẻ vàng”. “Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều tiềm năng về lao động mà Hàn Quốc đang nhắm đến cho chương trình này” - ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, nói.
Nhiều năm không triển khai được
“Chương trình thẻ vàng” do Tổ chức Công nghệ – Công nghiệp Hàn Quốc thuộc Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc quản lý. Từ năm 2004, phía Hàn Quốc đã xúc tiến tuyển lao động kỹ thuật Việt Nam cho chương trình trên.
Tuy nhiên, do chưa xây dựng được cơ chế, xác lập quan hệ lao động cũng như các vấn đề liên quan đến lương, quyền lợi của lao động nước ngoài nên chương trình không triển khai được. Từ năm 2007, chương trình tái khởi động và có 6 doanh nghiệp (DN) XKLĐ được chọn tham gia gồm các công ty: Châu Hưng, Vạn Xuân, Vinamotor, Vietracimex, Vietcom và Viracimex. Tuy nhiên, đến nay, số lượng lao động được tuyển dụng rất ít.
Người lao động tại TPHCM tìm hiểu thông tin sang Hàn Quốc làm việc
Các lĩnh vực, vị trí tuyển dụng lao động ở chương trình này chủ yếu là chuyên viên quản trị mạng, lập trình web, lập trình viên, thiết kế đồ họa, quản trị hệ thống thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin; kỹ sư cơ khí, kỹ sư điện tử, thương mại điện tử, điện tử số; chuyên viên thiết kế bộ vi xử lý ứng dụng, công nghiệp sinh học, năng lượng, vật liệu mới, thiết bị giao thông vận tải... Thời điểm năm 2007, thu nhập bình quân của người lao động (NLĐ) khoảng 1.200 USD/tháng.
Thuận lợi hơn cho người lao động
Theo Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Chính phủ Hàn Quốc đã xem xét, giải quyết những vướng mắc về cơ chế tiếp nhận lao động nước ngoài, thủ tục nhập cư và chế độ đãi ngộ. Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định phân loại, cấp riêng loại thị thực mới (visa đa thị thực – E7) cho các chuyên gia quốc tế công nghệ cao vào làm việc tại Hàn Quốc. Lao động kỹ thuật cao sẽ được cấp visa màu vàng như tên của chương trình, khác hẳn visa của những lao động khác mà Hàn Quốc đã cấp. Điểm đặc biệt là khi có visa này, thời gian làm việc tại Hàn Quốc sẽ được kéo dài hơn.
Dựa trên nền lương cơ bản áp dụng chung theo quy định, các DN Hàn Quốc phải cam kết bảo đảm việc tăng lương theo thời gian làm việc, thực hiện đầy đủ các quyền lợi theo hợp đồng cho NLĐ. Cụ thể, NLĐ được xem xét tăng lương sau 1 năm làm việc, được chủ sử dụng lao động đài thọ vé máy bay, chu cấp nhà ở, ăn uống và các tiện nghi sinh hoạt khác. Thời hạn hợp đồng là 5 năm (visa cấp từng năm một), nếu sau 2 năm được chủ sử dụng lao động đánh giá tốt, NLĐ có thể đưa người thân (vợ, con) sang ở và làm việc. Ngoài ra, với visa E7, NLĐ có thể được trở về nước trong thời gian thực hiện hợp đồng.
Một điểm mới của chương trình là Hàn Quốc không hạn chế DN Việt Nam được phép đưa lao động sang làm việc (trước đây chỉ DN nào được cơ quan chức năng Việt Nam chọn mới được hợp tác).
Tuyển không hạn chế số lượng
Điều kiện tham gia chương trình: Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao; có trình độ tương đương hoặc cao hơn cử nhân trong lĩnh vực liên quan, có thời gian làm việc trên 2 năm trong lĩnh vực chuyên môn yêu cầu; từ 25 - 40 tuổi, sử dụng được tiếng Anh.
Để tìm hiểu thông tin tuyển dụng của DN, NLĐ có thể gửi yêu cầu về Văn phòng Hỗ trợ Việc làm Báo Người Lao Động tại địa chỉ vieclam@nld.com.vn. Chúng tôi sẽ cung cấp dựa trên kết quả đăng ký hợp đồng của DN được cơ quan chức năng thẩm định.
|
Bài và ảnh: NGUYỄN DUY
Nguồn baomoi.com