Theo dự báo của Bộ LĐ-TB&XH, đến năm 2020, sẽ có thêm khoảng 9,5 triệu người tham gia lực lượng lao động. Cùng với 1,3 triệu lao động đang thất nghiệp và trên 4,5 triệu lao động đang thiếu việc làm hoặc có việc làm nhưng vẫn nghèo hiện nay thì sẽ có tới 15,3 triệu người cần phải giải quyết việc làm trong 10 năm tới. Đây đã và đang là một thách thức lớn đối với thị trường lao động và lao động VN hướng đến có việc làm ổn định, thu nhập phù hợp với năng suất lao động bền vững.
Một trong những thách thức đầu tiên cần giải quyết cho lao động VN hiện tại và trong 10 năm tới theo các chuyên gia lao động của ILO (Tổ chức Lao động quốc tế) là các giải pháp khả thi nhằm cải thiện chất lượng việc làm và tăng năng suất lao động một cách bền vững. Bởi hiện tại, chất lượng việc làm ở nước ta vẫn rất thấp. Khi việc làm giản đơn, không cần kỹ năng vẫn chiếm gần 40% tổng việc làm của cả nước. Ở khu vực thành thị tỉ lệ này là 18,1% nhưng khu vực nông thôn chiếm gần 50% tổng việc làm.
Đáng nói hơn là chất lượng việc làm thấp kéo theo thất nghiệp thành thị gia tăng. Theo Bộ LĐTBXH thì tỉ lệ thất nghiệp của Việt Nam năm 2011 khoảng 2,6% nhưng tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi LĐ khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn: thành thị là 3,96% và nông thôn là 2,02%. Chất lượng lao động thấp cũng kéo theo lao động phi chính thức gia tăng do lao động di cư từ nông thôn ra thành phố ngày càng phổ biến. Lực lượng LĐ này phần lớn là LĐ thời vụ, trong khu vực phi chính thức. Phần lớn họ bị bỏ quên và không nhận được những hỗ trợ pháp lý, phúc lợi cần thiết, đối mặt với nhiều rủi ro.
Bà Phan Ngọc Mai Phương, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mỗi năm mức gia tăng lực lượng lao động của Việt Nam khoảng 1,1 triệu người/năm và lao động dôi dư từ khu vực nông nghiệp khoảng 600.000 người/năm. Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên cao ở mức gần 6,7% và tình hình càng nghiêm trọng hơn khi mỗi năm có thêm 1,6 triệu thanh niên bước vào tuổi lao động.

Tiếp cận với công nghệ mới
Còn đánh giá về chất lượng lao động, trong điều tra mới đây của Manpower về “Thiếu hụt lao động kỹ năng ở Việt Nam” tại 1.000 doanh nghiệp với 9 ngành nghề ở 6 tỉnh thành phố trên cả nước cho thấy: cứ trong hai DN được hỏi thì một DN cho rằng lực lượng lao động chưa tốt và một trong ba người sử dụng lao động cho rằng họ không tìm được lao động có kỹ năng. Sự thiếu hụt kỹ năng nghiêm trọng của công nhân cũng như cấp quản lý trong một số ngành nghề đang trở nên phổ biến. Cụ thể hơn, ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết bình quân mỗi DN thiếu khoảng 6 - 7 công nhân kỹ thuật bậc cao, công nhân lành nghề. Như vậy, hiện 240.000 DN của cả nước đang cần khoảng từ 1,4 - 1,7 triệu lao động qua đào tạo nghề.
Đi đôi với chất lượng lao động và chất lượng việc làm thấp là chế độ tiền lương trả cho người lao động cũng thấp, cùng đó là năng suất lao động còn thấp kém và sự mất cân đối giữa cung - cầu lao động... là nguyên nhân khiến thu nhập của đa số người lao động làm công ăn lương ở VN chưa đảm bảo để tái sản xuất sức lao động cũng như có tích lũy...
Tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo
Rút kinh nghiệm về những mặt chưa làm được của lao động việc làm giai đoạn 2001-2010, theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, mục tiêu chiến lược việc làm Việt Nam giai đoạn 2011-2020 là tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 70% vào năm 2020, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt trên 55%; tỷ lệ thanh niên dưới 24 tuổi không tham gia việc làm, giáo dục, đào tạo giảm xuống ít nhất 5%. Đồng thời, tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động mỗi năm; tỷ lệ tăng trưởng việc làm bình quân 2%/năm. Đặc biệt, phấn đấu giảm tỷ lệ lao động phi chính thức trong khu vực phi nông nghiệp xuống còn 50% vào năm 2020; Năng suất lao động hằng năm tăng 4%. Tốc độ tăng tiền lương thực tế bình quân 5%/năm... Ngoài ra, đặt ra mục tiêu đảm bảo tăng thu nhập và tiền lương một cách công bằng.
Tuy nhiên, để làm được điều này cần có các biện pháp, chính sách để đạt được những chỉ tiêu việc làm dài hạn, tăng thu nhập cho LĐ đi với với tăng năng suất cũng như giải quyết những thách thức việc làm trong ngắn hạn và trung hạn. Các giải pháp mang tính đột phá của Chiến lược chính là nâng cao chất lượng nguồn lao động bằng các việc làm cụ thể như xây dựng và thực hiện các chính sách, chương trình giáo dục bắt buộc cho tất cả người lao động để tạo ra mối liên hệ chặt chẽ hơn giữa giáo dục, đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động. Bên cạnh đó, phát triển hệ thống thông tin thị trường cũng là điều rất cần thiết. Mặc dù hệ thống thông tin thị trường LĐVN đã được hình thành, cơ sở dữ liệu về thị trường LĐ đã được kết nối giữa trung ương với 63 tỉnh, thành phố, nhưng xét về tổng thể việc kết nối đó chưa đồng bộ để có thể bao quát được cung-cầu LĐ, đặc biệt là cầu LĐ.
Nguồn:baolaodongthudo.com.vn