Hai tháng đầu năm nay, khá nhiều doanh nghiệp(DN) ngành dệt may lao đao vì thiếu lao động. Tình trạng này không lạ nhưng đáng chú ý là các DN lớn sử dụng nhiều công nhân lại không bị căng thẳng vì thiếu lao động như những DN vừa và nhỏ. Vì sao?CôngThương - Theo Hội dệt may Thêu đan TP.HCM, một trong những nguyên nhân cơ bản khiến lao động ngành may biến động mạnh ở khu vực các DN vừa và nhỏ là do mức lương không cao. Hiện số DN đủ sức trả mức lương trung bình từ 3,5-4,5 triệu đồng/tháng /người là rất ít. Còn các DN vừa và nhỏ chỉ trả dao động trên dưới 2,5 triệu đồng/người/tháng. Với mức lương này, công nhân không thể đảm bảo cuộc sống trong tình trạng giá cả tăng cao mọi mặt như hiện nay.
Công ty lớn, lương cao và ổn định
Ông Tae Ha Yoon, Chủ tịch công ty Hansoll cho biết, tình trạng thiếu lao động đầu năm 2012 không ảnh hưởng quá nhiều tới hoạt động sản xuất của công ty. Tuy nhiên khi tập đoàn có ý định mở rộng thêm nhà máy thì áp lực của việc thiếu lao động trong ngành cũng khiến công ty cũng đang phải suy tính. Hiện Tập đoàn đang chờ kết quả đàm phán của hiệp định TPP. Nếu thành công thì Hansoll sẽ có thêm lợi thế xuất khẩu hàng may mặc tại Việt Nam vào Mỹ.
Nói về những khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, ông Trần Quang Hưng, đại diện Công ty TNHH GreenVina cho biết, tình hình thiếu lao động của công ty chỉ diễn ra trong hai tháng đầu năm, hiện công ty đã tuyển đủ số công nhân. Việc thiếu lao động thời điểm đầu năm công ty đã lường trước được và có phương hướng xử lí nên không ảnh hưởng tới tiến độ các đơn hàng. Ông Hưng cho biết thêm, mức lương thỏa đáng và chế độ đãi ngộ tốt như giảm tăng ca, phân bổ giờ làm hợp lý chính là lý do để giữ công nhân lâu dài.
Ông Phan Văn Kiệt, Phó TGĐ Tổng công ty may Việt Tiến cũng tự tin cho biết: hiện công ty hiện có khoảng 27.000 công nhân, đủ lực lượng để đáp ứng tiến độ sản xuất. Với mức lương từ 5 - 7 triệu đồng/tháng/người và một chế độ đãi ngộ xứng đáng, thì không có lý do gì công nhân của mình bỏ việc.
Ông Phạm Xuân Hồng, TGĐ công ty May Sài Gòn 3, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM cho biết, lao động của ngành dệt may Việt Nam không tập trung. Có hơn 70% các DN dệt may là DN vừa và nhỏ, số lao động dưới 300 người. Số DN từ 1000 công nhân chỉ chiếm 6%. Tình trạng khan hiếm lao động phần lớn chỉ diễn ra tại khu vực các DN vừa và nhỏ vì khi nhu cầu may mặc của thế giới giảm thì các DN nhỏ sẽ khó có được đơn hàng. Không có đơn hàng đồng nghĩa với việc cho công nhân nghỉ và người lao động đi các nơi để tìm việc. Khi có đơn hàng lại thì lại bắt đầu tuyển dụng. Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng vì sao lao động dệt may thường xuyên biến động và tập trung chủ yếu ở các DN vừa và nhỏ.
Bắt bệnh “mãn tính” của ngành dệt may
Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nguyên nhân thiếu hụt lao động trong ngành dệt may của những tháng đầu năm 2012 là sự dịch chuyển lao động từ các DN có thu nhập không cao sang các DN thu nhập cao. Mặt khác có tình trạng các DN khi có đơn hàng cần huy động một lượng lớn công nhân để thực hiện các đơn hàng đầu năm 2012 nên đăng tuyển ồ ạt. Áp lực thời hạn hoàn thành hợp đồng buộc các DN gấp rút tranh giành lao động. Hiện tượng này gây nên sự khan hiếm cục bộ nhưng khi các đơn hàng đó hoàn thành thì lao động ngành may lại bị dôi dư, thất nghiệp. Đó là lí do vì sao, chỉ trong quý 1/2012, nhu cầu tuyền dụng của khối dệt may- thêu đan là trên 1.300 người, là ngành đứng thứ 2 có nhu cầu tuyển dụng lớn , Ông Trần Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm của sở Lao động- Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết.
Lý giải sự khan hiếm lao động trong ngành dệt may, ông Hồng phân tích: do chính sách đầu tư dàn trải, chưa phù hợp của chúng ta thời gian qua là một trong những nguyên nhân chính. Trong khi có thể đầu tư lĩnh vực dệt tốt hơn để chủ động nguyên liệu, đẩy mạnh xuất khẩu hàng FOB, cân đối ngành dệt may, thì chúng ta lại đầu tư vào may quá nhiều. Hiện riêng đầu tư may đã chiếm 60% tổng vốn FDI vào ngành dệt may.
May gia công chiếm nhiều lao động nhưng giá trị gia tăng của ngành rất thấp. Do đó nhiều DN may không đủ khả năng để lo cho người lao động một chế độ đãi ngộ tốt. Khi mức lương không đủ chi trả cho cuộc sống người lao động tất nhiên họ sẽ luôn có ý tìm kiếm việc làm với mức lương cao hơn ở nơi khác. Tâm lí không ổn định này đã góp phần tạo ra sự dịch chuyển lao động giữa các DN, gây nên sự xáo trộn nguồn nhân lực. Mặt khác, công nhân trong ngành dệt may rất đông và thiếu tính kỉ luật, thiếu ý thức tự giác nên năng suất lao động không cao và điều này ảnh hưởng đến chính thu nhập của bản thân họ và các DN thì đau đầu với bài tóan dịch chuyển của lao động ngành may.
Để “chữa trị” căn bệnh mãn tính về thiếu lao động ngành may cần phải có sự phối hợp từ vĩ mô đến vi mô. Vĩ mô là chiến lược đầu tư ngành dệt may phải phù hợp và cân đối giúp chúng ta tự chủ về nguyên liệu, đẩy mạnh khâu thiết kế công nghiệp, gia tăng tỷ lệ hàng FOB có giá trị cao thay vì gia công hiệu quả thấp dẫn đến thu nhập của người lao động không cao. Vi mô là bản thân các DN phải nỗ lực tìm kiếm các đơn hàng ổn định, đẩy mạnh xuất khẩu hàng có giá trị gia tăng cao và có chính sách chế độ đãi ngộ lao động tốt. Bên cạnh đó các Trung tâm đào tạo, các nơi cung ứng nguồn nhân lực cho ngành may cần phải giáo dục nâng cao ý thức và tính kỷ luật cho công nhân, để họ thấy được: làm việc nghiêm túc, năng suất lao động cao, gắn kết với DN là tạo sự ổn định và thu nhập cao cho chính bản thân của người lao động.
Theo: Baomoi.com