Hiện có trên 15.000 lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp tại Đài Loan. Cũng như tại Hàn Quốc, thực trạng này một lần nữa ảnh hưởng lớn đến chiến lược đưa lao động sang thị trường nước ngoài làm việc của Việt Nam.
Theo thống kê, hiện nay Việt Nam là nước có trên 93.000 lao động làm việc tại Đài Loan, chỉ đứng sau Indonesia. Bình quân mỗi năm có 39.000 lao động sang làm việc tại thị trường này, chiếm trên 30% tổng số lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài. Tuy nhiên, vấn nạn lao động bỏ trốn đang là nỗi nhức nhối khiến ngành xuất khẩu lao động (XKLĐ) thêm lần nữa đứng trước nguy cơ mất thị trường.
Ngành XKLĐ trước nguy cơ bị thu hẹp thị trường truyền thống Đài Loan.
Tính đến hết ngày 31/12/2011, Việt Nam có trên 49.000 lao động bỏ trốn (trong đó có khoảng 30.000 lao động nữ) - chiếm gần 41% số lao động nước ngoài bỏ trốn tại Đài Loan. Trung bình mỗi tháng có khoảng 550 lao động bỏ trốn tại Đài Loan. Hiện mới có gần 35.000 lao động bỏ trốn bị trục xuất về nước.
Trong khi đó, đây là thị trường trọng điểm của ngành xuất khẩu lao động (XKLĐ) Việt Nam. Hiện thu nhập của người lao động tại đây đạt khoảng 650 USD/tháng. Cơ quan chức năng lo ngại, trong thời điểm khủng hoảng kinh tế, dư thừa lao động chung ở nhiều quốc gia như hiện nay, vấn đề lao động bỏ trốn tăng cao là “vết đen” đối với ngành lao động VN, khi tham gia ứng cử cung ứng lao động. Theo đó, nguy cơ mất thị trường hoặc bị thu hẹp giống như thị trường Hàn Quốc trước đây sẽ là sự thật hiện hữu.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN), nguyên nhân chính gây ra tệ nạn lao động bỏ trốn phần lớn bởi nguyên do chi phí mà người lao động phải trả cho cơ quan môi giới quá cao. “Thực tế, theo quy định, mức phí đi làm công nhân nhà máy và xây dựng 3 năm tại Đài Loan là 4.500 USD/hợp đồng; nghề giúp việc gia đình, chăm sóc sức khỏe là 3.600 USD/hợp đồng. Tuy nhiên, theo số liệu điều tra thực tế của Ủy ban Lao động Đài Loan, mức phí để người lao động Việt Nam phải nộp trung bình từ 5.000 - 6.000 USD, rất nhiều lao động để được đi phải nộp từ 6.500 - 7.000 USD. Trong đó, phần chênh lệch khoảng 1.800 - 2.500 USD cao hơn quy định chính là phần tiền môi giới bị tăng cao. Để bù đắp khoản chi phí quá cao đã bỏ ra, lao động đã bỏ trốn để làm thêm” - lãnh đạo Cục cho biết.
Lại có thực tế, tại Viện Nam, do nhiều doanh nghiệp XKLĐ có giấy phép đưa lao động sang làm việc tại Đài Loan đã không trực tiếp tìm kiếm, khai thác hợp đồng, tuyển chọn, đào tạo và làm thủ tục xuất cảnh cho người lao động mà bán hoặc cho thuê pháp nhân để thực hiện và thu một khoản phí từ 150 - 200 USD. Hiện có khoảng 900 Cty Đài Loan ký hợp đồng với 67 Cty Việt Nam, nhưng các đơn vị này đã thành lập 104 chi nhánh và 136 cơ sở sở đào tạo (chưa tính văn phòng đại diện) để các trung tâm, cơ sở đào tạo, văn phòng tư vấn. Do vậy, phần lớn người lao động đi XKLĐ không hề biết doanh nghiệp nào của Việt Nam đưa đi.
Trước tình hình này, phía Cục QLLĐNN đã phối với Cục Huấn nghiệp thuộc Ủy ban Lao động Đài Loan đưa ra các biện pháp ngăn ngừa tình trạng lao động bỏ trốn, tăng cường kiểm tra, kiểm soát đưa ra những biện pháp để đưa lao động bỏ trốn về nước, động thời xây dựng phương án giảm chi phí cho người lao động. Trước mắt, yêu cần chấn chỉnh ngay các hoạt động XKLĐ của các doanh nghiệp đầu mối, tránh tình trạng ủy quyền, phó mặc mọi trách nhiệm cho các chi nhánh, văn phòng đại diện trong việc tổ chức tuyển chọn và đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài như hiện nay.
Để ngăn chặn tình trạng lao động bỏ trốn do phải đóng phí cao, vừa qua Cục QLLĐNN đã có công văn quy định rõ về mức phí như sau: Lao động đi làm việc tại các ngành công nghiệp mức phí không vượt quá 4.500 USD/người/hợp đồng 3 năm (trong đó tiền môi giới không quá 1.500 USD); nghề giúp việc gia đình và chăm sóc sức khỏe mức phí là 3.800 USD/người/hợp đồng 3 năm (tiền môi giới không quá 800 USD).
Thanh Trầm/ Theo Dân Trí