KTĐT - Số người thất nghiệp tiếp tục gia tăng, trong khi đó, tỷ lệ lao động tìm việc làm mới giảm, khiến nhiều người lo ngại ngành lao động khó hoàn thành mục tiêu tạo việc làm đã đề ra.
Nộp hồ sơ thi tuyển có được việc làm hay không là do chính bản thân mình. Images: Duy Khánh
Tỷ lệ đăng ký thất nghiệp tăng nhanh
Theo thống kê của Trung tâm Giới thiệu việc làm (TTGTVL) Hà Nội, số lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp và hoàn thiện hồ sơ hưởng BHTN ngày càng tăng với 4.667 người. Trong tuần 1 của tháng 4, số người đăng ký thất nghiệp là 549, nhưng số người nộp hồ sơ hưởng BHTN lại tăng lên 616 người. Tuần 2 của tháng 4 là 457 và 532 người. Dự báo số lao động thuộc nhóm này trong tháng 4 có thể xấp xỉ 2.000 người. Theo đánh giá, số người hưởng thất nghiệp tăng 2,8 lần so với năm ngoái, trong đó có tới 30% có trình độ đại học, cao đẳng.
Theo ông Vũ Quang Thành, Trưởng phòng Thông tin thị trường lao động (TTGTVL Hà Nội), nguyên nhân khách quan vẫn là do kinh tế khó khăn nói chung, nên nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, sa thải công nhân hoặc chế độ lương, đãi ngộ chưa tốt nên lao động bỏ việc để tìm chỗ làm mới tốt hơn, khiến số người thất nghiệp tăng. Đối tượng là những lao động không có hoặc thiếu kỹ năng nghề. Bởi thế thị trường lao động năm 2012 được nhận định giảm sôi động về số lượng và hướng theo chiều nâng cao chất lượng lao động. Song, mục tiêu giải quyết việc làm cho 140.000 lao động trong năm 2012 sẽ rất khó thực hiện nếu không có những giải pháp kích cầu lao động.
Nâng chất lượng
Theo nhiều chuyên gia, chất lượng lao động cũng là nguyên nhân khiến thị trường lao động khó khăn. Khu vực thành thị có tỷ lệ việc làm giản đơn khoảng 18% trong tổng việc làm của cả nước, trong khi đó khu vực nông thôn có tới gần 50% tổng việc làm. Chất lượng lao động thấp làm gia tăng lao động phi chính thức. Lao động di cư, làm việc thời vụ từ nông thôn ra các đô thị lớn tạo nên nhiều sức ép về việc làm, chế độ đãi ngộ, mức lương. Ở các phiên giao dịch việc làm, số lượng doanh nghiệp không tăng, nhưng người lao động tham gia nhiều hơn, khả năng kết nối cung - cầu lao động có nhiều triển vọng. Tuy nhiên, khả năng lựa chọn cũng khó khăn hơn.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân, hiện Bộ đang chỉ đạo Cục Việc làm theo dõi biến động thị trường lao động để có những điều chỉnh kịp thời, có chính sách trợ giúp người lao động gặp khó khăn. Trong đó có cả biện pháp tăng chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và xuất khẩu lao động. Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội cũng cho biết, ngành đang đẩy mạnh các biện pháp kích cầu bằng tiếp tục thực hiện giải pháp trong đề án phát triển thị trường lao động và trong chương trình việc làm thành phố giai đoạn 2011 - 2015. Bên cạnh đó, tạo điều kiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho các doanh nghiệp mới hình thành và phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nhiều việc làm mới, thu hút lao động, giải quyết việc làm. Đồng thời Quỹ giải quyết việc làm thành phố sẽ bổ sung 295 tỷ đồng cho các đối tượng gia đình chính sách, hộ cận nghèo, thanh niên lập nghiệp vay vốn…