Dự báo trong tháng 5/2012, nhu cầu tuyển dụng của các DN cần khoảng 24.000 lao động, trong đó, lao động có trình độ chuyên môn đại học trở lên khoảng 12%; cao đẳng, trung cấp khoảng 35%; công nhân kỹ thuật 5%; còn lại là sơ cấp nghề và lao động phổ thông.
 |
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết, nhu cầu tuyển dụng nhân lực của DN, cơ sở sản xuất tại TP.HCM quý II sẽ tăng 8-10%, với 75.000 chỗ làm mới. Đây là dấu hiệu đáng mừng, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hàng ngàn DN lâm vào cảnh đóng cửa, hoặc ngừng hoạt động. Trong 4 tháng 2012, thị trường lao động TP.HCM tiếp tục dịch chuyển lao động có tay nghề trong các ngành gia công - sản xuất, dệt - may, giày da, chế biến thủy sản, kế toán… Cụ thể, nghề kế toán dịch chuyển lao động khá cao, trên 50% nhu cầu tìm việc là những lao động có trên 2 năm làm việc và yêu cầu mức lương khá cao (5-10 triệu đồng/tháng); Ngành công nghệ thông tin nhu cầu tuyển dụng tăng trên 98%, so với tháng 3, trong khi nguồn cung chỉ đáp ứng được 70% so với nhu cầu tuyển dụng của các DN. Ngoài ra sự dịch chuyển lao động ở mức 25% chủ yếu là lao động phổ thông, sơ cấp nghề trong lĩnh vực gia công – sản xuất – chế biến, cùng với lao động bị mất việc, thất nghiệp đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tăng theo xu hướng không ổn định.
Các nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao là nhóm ngành nhân viên kinh doanh – marketing (18,79%), dịch vụ - phục vụ (14,37%), tư vấn – bảo hiểm (7,86%), bán hàng (7,63%), quản lý nhân sự - hành chính văn phòng (7,33%), công nghệ thông tin (5,52%), dệt may – da giày (5,45%)… Đặc biệt ngành nghề bảo hiểm có nhu cầu tuyển dụng nhân lực tăng 102,09% xếp thứ 3 trong những nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất và là ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng liên tục tăng trong những tháng đầu năm 2012. Sự nghịch lý giữa cung - cầu vẫn phổ biến rõ nét như: Nhóm ngành nghề tư vấn – bảo hiểm, nhu cầu tuyển dụng nhóm ngành này liên tục có xu hướng tăng, nhưng nhu cầu tìm việc nhóm ngành này chiếm tỷ lệ thấp trong nguồn cung…
Việc tuyển dụng lao động chặt chẽ, chọn lọc trình độ nghề và kỹ năng, đặc biệt nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn cao, thể hiện tình trạng kinh tế - xã hội còn tiếp tục khó khăn, nhiều DN quy mô vừa và nhỏ không mở rộng quy mô hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh, để đảm bảo sự ổn định kể cả ổn định về nhân lực cần thiết của DN trong năm 2012.
Theo ông Trần Anh Tuấn, dự kiến nhu cầu tuyển dụng của các DN trong tháng 5/2012 khoảng 24.000 lao động, chú trọng tuyển dụng lao động có tay nghề và trình độ chuyên môn kỹ thuật. Cụ thể, trình độ chuyên môn Đại học trở lên khoảng 12%, cao đẳng, trung cấp khoảng 35%, công nhân kỹ thuật 5%, sơ cấp nghề và lao động phổ thông (48%), vẫn tập trung chủ yếu các ngành nghề nhân viên kinh doanh – marketing, dịch vụ - phục vụ, công nghệ thông tin, kế toán - kiểm toán, điện – điện tử - viễn thông, cơ khí, dệt may – giày da... Về nguồn cung nhân lực có xu hướng tăng về nhu cầu tìm việc do một lượng lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường cần tìm việc làm; Việc di chuyển lao động có khả năng vẫn tiếp tục diễn ra, tập trung một số ngành nghề như: dệt may – da giày, xây dựng, bán hàng, kế toán, tài chính ngân hàng, nhân sự…
Để nâng cao hiệu quả bố trí, sử dụng và ổn định nguồn nhân lực, theo các chuyên gia, thành phố cần tiếp tục thực hiện các giải pháp của các cơ quan chính quyền, đoàn thể nhằm hỗ trợ, tăng cường gắn kết người lao động và người sử dụng lao động; các DN tiếp tục chú trọng chế độ chính sách, quan tâm đãi ngộ để ổn định và phát triển lực lượng lao động. Đồng thời cần tăng cường quản lý lao động thất nghiệp, tổ chức có hiệu quả hoạt động thông tin thị trường lao động để hạn chế thấp nhất sự dịch chuyển lao động tạo mất cân đối thị trường lao động thành phố./.
Nguồn:baomoi.com