KTĐT - Liên tục xảy ra việc "bỏ rơi" người lao động khi đưa sang làm việc ở nước ngoài, do vậy, cần có cơ chế theo dõi, giám sát hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) về việc thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ đối với người lao động là vấn đề được đưa ra trong cuộc tọa đàm "XKLĐ chính sách - trách nhiệm và lợi ích" vừa diễn ra.
Loạn doanh nghiệp
Anh Nguyễn Ngọc Chiến (Phú Thọ), người từng làm việc tại Hàn Quốc gần 3 năm và bị doanh nghiệp "đem con bỏ chợ" đã kể: Theo hợp đồng của trung tâm môi giới, anh cần nộp 675 USD để sang Hàn Quốc với rất nhiều "hứa hẹn" về cuộc sống cũng như công việc được đưa ra. Tuy nhiên, thực tế anh đã mất tới 6.000 USD. Khi sang tới Hàn Quốc, trung tâm môi giới lao động hoàn toàn phủi tay, không quan tâm đến cuộc sống sinh hoạt và việc làm của anh. Khi hết thời hạn hợp đồng, vì công ty đã bị phá sản nên việc gia hạn cho anh là không thể.
Thực tế, hiện người lao động muốn đi XKLĐ được ví giống như "đi rừng mà không có la bàn", bởi cơ quan chức năng không quản lý nổi, trong khi doanh nghiệp XKLĐ quá nhiều, tốt xấu lẫn lộn. Riêng thị trường Đài Loan hiện có tổng cộng 67 doanh nghiệp có giấy phép. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đã thành lập tổng cộng hơn 100 chi nhánh hoặc trung tâm và khoảng 140 cơ sở đào tạo để thực hiện việc tư vấn, tuyển chọn và đào tạo lao động đi làm việc Đài Loan...
Theo ông Vũ Đình Toàn, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH): Trách nhiệm trên thuộc về doanh nghiệp và năng lực chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước. Việc thiếu quan tâm công tác quản lý lao động, khoán trắng cho môi giới nước ngoài dẫn đến tình trạng người lao động bị bỏ rơi... Với Bộ, lẽ ra sau khi chúng ta có một đạo luật điều chỉnh hoạt động của lĩnh vực này, công tác thanh tra tra các doanh nghiệp cần được tăng cường hơn. Thế nhưng, đó chỉ là câu chuyện "nếu như".
Giám sát các tổ chức, doanh nghiệp XKLĐ
Vấn đề được các chuyên gia đặt ra là Bộ LĐTB&XH cần giám sát chặt quy định doanh nghiệp không được phép cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng pháp nhân để tổ chức tuyển chọn, thu tiền lao động đi làm việc ở nước ngoài. Riêng người lao động, phải lưu tất cả giấy tờ liên quan để căn cứ đối chiếu nếu như sau này có chuyện không may xảy ra.
Để tạo nên sự ổn định cho thị trường XKLĐ và góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động ở nước ngoài, ông Trần Văn Tư, Trưởng phòng Cơ chế chính sách, Ban Chính sách - pháp luật (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết: Sắp tới Tổng LĐLĐ sẽ phối hợp với Hiệp hội XKLĐ Việt Nam theo dõi, giám sát hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài về việc thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ đối với người lao động. Bên cạnh đó, nghiên cứu mô hình và cách thức tổ chức và hoạt động của Công đoàn từ Tổng Liên đoàn đến cơ sở, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc tại nước ngoài. Đồng thời, đề nghị Nhà nước cho phục hồi cơ chế cử cán bộ đại diện Công đoàn đến làm việc tại những nước có số lượng lao động Việt Nam đang làm việc từ 50.000 người trở lên. Đây được coi là một giải pháp để bớt đi những vụ việc lùng bùng trong XKLĐ.