Sau khi “mất điểm” tại thị trường xuất khẩu lao động Hàn Quốc được cho là trọng điểm, theo Bộ LĐ-TB&XH, cánh cửa ở nhiều thị trường khác đang mở ra nhiều cơ hội lựa chọn cho người lao động, đặc biệt là Malaysia và một số nước ở khu vực Trung Đông.
Theo ngành xuất khẩu lao động, vẫn còn nhiều cơ hội cho lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài…
Thị trường xuất khẩu lao động đang có nhu cầu lớn tạo cơ hội cho lao động trong nước
Tính đến thời điểm hiện nay, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN - Bộ LĐ-TB&XH), tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong 4 tháng đầu năm 2012 là 25.637 lao động. Thị trường tiếp nhận nhiều lao động nhất vẫn là Đài Loan (Trung Quốc) với 9.930 lao động, tiếp đến là Hàn Quốc với 3.580 lao động, Nhật Bản 2.877 lao động, Lào 2.237 lao động, Malaysia 2.574 lao động, Campuchia 1.803 lao động... Như vậy, tổng số lao động xuất khẩu 4 tháng đầu năm nay giảm so với cùng kỳ năm ngoái (chỉ bằng 85,9%), đạt 28,5% so với chỉ tiêu kế hoạch dự kiến đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2012.
Mặc dù số lượng giảm, theo đánh giá của Cục QLLĐNN, nền kinh tế của những thị trường truyền thống tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam như Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc... vẫn tăng trưởng. Vì vậy, cơ hội việc làm dành cho lao động tại các nước này trong thời gian tới vẫn tăng.
Bên cạnh đó, một số thị trường tiềm năng khác cũng đang mở cửa. Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH đã có đoàn công tác do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa sang Nga để hoàn thiện, chuẩn bị cho việc triển khai Hiệp định hợp tác lao động đã được hai nước ký kết từ năm 2008, sau khi được Duma Quốc gia Nga phê chuẩn.
Hiện nay thị trường Trung Đông cũng bắt đầu phục hồi và đang có nhu cầu tiếp nhận số lượng lao động lớn. Năm 2012 cũng là năm Cục QLLĐNN phối hợp với các doanh nghiệp mở rộng các thị trường mới phù hợp với lao động Việt Nam như Australia, New Zealand, Canada và một số nước Bắc Âu như Phần Lan, Thụy Điển.
Đối với thị trường Hàn Quốc được coi là trọng điểm, tỷ lệ bỏ trốn của lao động Việt Nam vẫn không ngừng tăng đang gây nhiều bất lợi.
Theo ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục QLLĐNN, năm nay Việt Nam sẽ không còn lợi thế ở thị trường này so với 14 quốc gia phái cử khác. Nhu cầu lớn khiến Hàn Quốc trở thành mảnh đất “màu mỡ” cho các đối tượng cò mồi lợi dụng lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người lao động.
Tuy nhiên, cánh cửa ở nhiều thị trường khác đang mở ra nhiều cơ hội lựa chọn cho người lao động, đặc biệt là Malaysia và một số nước ở Trung Đông. Sau khủng hoảng ở Bắc Phi, hiện 6 quốc gia Trung Đông như Kuwait, Bahrain, Arab Saudi, Oman, Qatar, UAE đang có nhu cầu tiếp nhận lao động trở lại. Tới đây Việt Nam sẽ tiếp tục tuyển chọn 4.000 vệ sĩ sang làm việc tại UAE.
Cũng theo ông Đào Công Hải, tháng 6 tới, sau khi Libya tiến hành bầu cử xong, sẽ là cơ hội tiếp nhận trở lại lao động Việt Nam khi các nhà thầu nước ngoài cần nguồn nhân lực lớn để hoàn thiện các công trình tại quốc gia này. Thế nhưng, để đưa lao động sang những thị trường này, các doanh nghiệp cần tăng cường đào tạo và định hướng cho người lao động về kỷ luật lao động và văn hóa của nước sở tại.
Cánh cửa cho lao động đi xuất khẩu trước mắt là khá rộng. Tuy nhiên, với cách quản lý doanh nghiệp như hiện nay, đặc biệt là tình trạng cò mồi, thiếu quản lý về phí, thiếu thông tin cho lao động, khi lao động đặt bút ký hợp đồng thiếu bộ phận tư vấn… Những sơ hở này sẽ khó làm lành mạnh mạnh thị trường XKLĐ, người lao động lại rơi vào vòng xoáy như thời gian qua, nhiều trường hợp trả phí quá cao, rồi bị “vỡ mộng” khi ra nước ngoài, thực tế không như viễn cảnh doanh nghiệp “vẽ” ra.
Theo Huệ Chi
ANTĐ