Theo những đánh giá mới nhất, dù lực lượng lao động tăng 1,2 triệu người so với năm 2010 (ước tính 51,6 triệu người) nhưng tỷ trọng qua đào tạo lại thấp - chỉ có 7,4 triệu người đã qua đào tạo (có bằng hoặc chứng chỉ), chiếm 14,7%, và chủ yếu làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tỷ lệ thất nghiệp không có xu hướng giảm, trong đó tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị cao hơn nông thôn.
Thống kê của Trung tâm Giới thiệu việc làm (TTGTVL) Hà Nội, lượng người thất nghiệp riêng ở Hà Nội đã tăng mạnh trong năm 2011 và có nhiều dấu hiệu tăng nhanh trong năm 2012. Năm 2010, số người đăng ký thất nghiệp là 4.192, sang năm 2011, con số này đã là 16.100 người và tháng 1/2012, đã có 1.467 người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp. Tính chung cả nước năm 2011, tỷ lệ thất nghiệp là 2,6%. Ông Ngô Xuân Liễu - Phó trưởng phòng Việc làm và Thị trường lao động, Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự báo, tỷ lệ thất nghiệp vào năm 2015 sẽ là 2,85%, năm 2020 là 3,01%.
Đánh giá khách quan, tỷ lệ thất nghiệp cao không chỉ do tay nghề, trình độ của người lao động chưa đáp ứng nhu cầu của DN mà còn do chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Khó khăn trong vòng 4 năm trở lại đây đã buộc nhiều DN phải bó hẹp phạm vi, thị trường kinh doanh đồng thời phải cắt giảm nhân công. Đại diện DN ngành dệt may còn cho rằng, việc tăng lương tối thiểu theo lộ trình cũng có tác động lớn tới ngành này và ngành da giày, những ngành sử dụng nhiều lao động. Lương tăng khiến DN dè dặt hơn trong việc tuyển dụng thêm lao động, thay vào đó họ chú trọng tăng năng suất và đòi hỏi tay nghề cao từ người lao động.
Trong khi đó, các trường ĐH - CĐ, trường dạy nghề lại thiếu sự kết nối với các TTGTVL và DN. Khoảng cách này đã được chỉ ra từ lâu nhưng hiện vẫn chưa được rút ngắn. Theo một điều tra của Bộ Giáo dục - Đào tạo, có tới 63% sinh viên tốt nghiệp ĐH - CĐ không có việc làm, trong khi các DN vẫn thiếu người. Bỏ qua những nguyên nhân đã được phân tích ở trên thì chính sức ỳ từ cả phía nhà tuyển dụng và người lao động là nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng lãng phí nguồn nhân lực. DN đã chủ động "đặt hàng" nhà trường nhưng chưa làm tới nơi tới chốn và cũng chỉ có một số ít DN làm được việc này, trong khi người lao động chưa chủ động tìm kiếm việc làm. Việc tuyển sinh ở các trường ĐH - CĐ chưa căn cứ theo nhu cầu, chỉ tiêu của thị trường mà chỉ cốt tuyển cho đủ!
Cơ cấu lao động từ nay tới năm 2020 sẽ chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ở ngành nông nghiệp, gia tăng ở các ngành công nghiệp và dịch vụ với tỷ lệ tương ứng vào năm 2015 là 29,6 - 31%, năm 2020 là 34,4 - 35,6%. Nếu bám sát được nhu cầu, xu hướng của thị trường thì không lý gì cung lại không thể gặp cầu.