Trong những năm qua, công tác giải quyết việc làm cho người lao động luôn là vấn đề được các cấp, các ngành chức năng quan tâm. Điều đó thể hiện thông qua việc tỉnh ta tích cực triển khai các chương trình, dự án cụ thể trên nhiều lĩnh vực nhằm tạo việc làm cho người lao động ở cả nông thôn và thành thị. Tuy nhiên, công tác giải quyết việc làm vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế, chất lượng việc làm chưa cao; tính ổn định, bền vững, hiệu quả còn thấp.
Từ năm 2006 đến hết năm 2011, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 83.000 lao động. Cơ cấu lao động, việc làm có sự chuyển biến tích cực: Tỷ lệ lao động trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp giảm xuống còn dưới 75%; tỷ lệ lao động trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ tăng lên trên 25%. Để có được thành quả đó là nhờ tỉnh ta đặc biệt quan tấm đến việc triển khai, thực hiện các chương trình, dự án trên nhiều lĩnh vực như: Chương trình tạo việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; dự án dạy nghề gắn với giải quyết việc làm mới; cho người dân vay vốn thực hiện các dự án phát triển kinh tế; hỗ trợ xuất khẩu lao động; khuyến khích các thành phần kinh tế mở rộng các ngành nghề kinh doanh; quy hoạch, xây dựng các khu, cụm công nghiệp...

Cơ sở sản xuất miến dong ở thị trấn Cốc Pài, Xín Mần tạo nhiều việc làm cho người lao động.
Trong các chương trình, dự án triển khai, chương trình cho người lao động vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm đạt được kết quả lớn. Tính trong giai đoạn 2006 - 2010, toàn tỉnh đã có 2.677 dự án phát triển kinh tế được vay vốn với số tiền trên 75 tỷ đồng. Được vay vốn, các dự án đầu tư trên nhiều lĩnh vực đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đặc biệt là lao động khu vực nông thôn bởi có đến gần 80% các dự án đầu tư cho lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi. Việc triển khai Dự án dạy nghề gắn với giải quyết việc làm mới cũng đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ. Hệ thống các trường dạy nghề, trung tâm dạy nghề đã được xây dựng và hoàn thiện từ tỉnh xuống các huyện, thành phố. Cùng với đó, nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác đào tạo nghề cũng đã được thực hiện bằng việc lồng ghép từ nhiều chương trình, dự án: Dự án 661; Chương trình Khuyến nông; Dự án DPPR; Chương trình đào tạo nghề... Việc triển khai nhiều nguồn vốn trong việc hỗ trợ dạy nghề đã khuyến khích, thu hút được nhiều lao động tham gia học nghề, chỉ tính riêng năm 2011 vừa qua, toàn tỉnh đã có gần 18.000 người được đào tạo nghề ngắn hạn, dài hạn. Được trang bị nghề là điều kiện quan trọng giúp người lao động có việc làm. Những năm gần đây, công tác xuất khẩu lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn và đưa lao động đi làm việc ở ngoài tỉnh là vấn đề được tỉnh và các ngành chức năng quan tâm. Để hoạt động này được triển khai, thực hiện đạt kết quả cao, từ tỉnh xuống huyện rồi đến các xã, thị trấn đều đã thành lập Ban Chỉ đạo xuất khẩu lao động nhằm xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, đồng thời tiến hành các bước thực hiện bài bản, đạt kết quả cao nhất. Nhiều huyện còn xây dựng cơ chế riêng nhằm khuyến khích cho người lao động đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài. Trong đó các huyện Xín Mần, Yên Minh, Bắc Mê, Hoàng Su Phì, Vị Xuyên đã có chế độ hỗ trợ cho người lao động vay vốn bổ sung để giúp người lao động có thêm kinh phí ban đầu. Ngoài ra tỉnh cũng chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài của các đơn vị hoạt động xuất khẩu lao động trên địa bàn nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Từ việc làm đó nên từ năm 2006 đến nay, đã có trên 7.700 lao động đi làm việc ở các khu, cụm công nghiệp trong nước; gần 3.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giải quyết việc làm vẫn còn những khó khăn, bất cập. Đa phần lao động nông thôn ở tỉnh ta vẫn chưa có tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật kém, thiếu trình độ chuyên môn nên việc giải quyết việc làm chất lượng chưa cao, thiếu tính bền vững và thu nhập thấp. Ở nhiều địa phương, việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về học nghề và giải quyết việc làm còn mang tính hình thức, chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục nên công tác giải quyết việc làm chưa đạt kết quả theo mục tiêu đề ra. Các dự án vay vốn phát triển kinh tế - xã hội được vay vốn mặc dù đã thu hút được một lực lượng lớn người lao động nông thôn, tuy nhiên do có đến gần 80% đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi nên tính bền vững chưa cao, thời gian làm việc của người lao động chưa thường xuyên, liên tục, thu nhập chưa bền vững. Trong những năm qua, tuy số lượng các doanh nghiệp tăng nhanh nhưng đa phần lại hoạt động trên lĩnh vực xây dựng cơ bản, ít doanh nghiệp sản xuất nên khả năng thu hút lao động thấp. Đặc biệt, trong một vài năm gần đây, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ nên các doanh nghiệp xây dựng cơ bản đều thiếu việc làm dẫn đến một bộ phận lớn người lao động phải nghỉ việc.
Những kết quả đạt được trong công tác giải quyết việc làm trong những năm qua dù có thuận lợi hay còn khó khăn nhưng đó tiền đề, cơ sở, bài học kinh nghiệm cho tỉnh tiếp tục thực hiện mục tiêu giai đoạn 2011 - 2015 tạo việc làm và ổn định cho 75 nghìn lao động.
Khánh Toàn
Nguồn: baohagiang.vn